COVID-19: Thách thức, cơ hội và con đường phía trước cho các nhà phát triển công nghệ 4.0

28/03/2020

Những ngày đầu năm này, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tới tất cả mọi mặt của cuộc sống. Tuy nhiên, trong thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội, đặc biệt là dành cho các nhà phát triển công nghệ 4.0. Bài viết dưới đây hi vọng đưa ra gợi ý hướng phát triển dành cho các công ty công nghệ của Việt Nam nắm bắt các cơ hội có được từ đợt dịch COVID-19 này.

Thách thức tới từ đại dịch COVID-19

Những lo ngại về tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu đã làm rung chuyển thị trường trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tác động của đại dịch COVID-19 đang diễn ra trong thời gian thực. Nếu đại dịch trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn, các tác động kinh tế có thể lớn hơn đáng kể so với dự đoán.

Khảo sát do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiệnđược trong những ngày đầu năm 2020 chỉ ra một thực tại đáng buồn: 74% trong số 1.200 doanh nghiệp được hỏi cho biết họ sẽ phá sản nếu đại dịch COVID-19 kéo dài trong sáu tháng hoặc lâu hơn. Cũng trong khảo sát này, gần 30% doanh nghiệp đã mất 20 – 50% doanh thu và 60% đã phải đối mặt với tình trạng bi thảm khi doanh thu của họ bị cắt giảm một nửa.

Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 là du lịch, giáo dục, dệt may, giày dép và sản xuất gỗ. Những lĩnh vực chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi dịch và các biện pháp thắt chặt an ninh của chúng phủ là dịch vụ, nhà hàng, thời trang. 

Cơ hội dành cho các nhà phát triển ứng dụng công nghệ 4.0

Những thách thức lớn chưa từng có trong thời điểm hiện tại mở đường cho các nhà ứng dụng công nghệ 4.0 bứt phá. Như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định: “Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ số, học tập và làm việc phân tán để duy trì các hoạt động kinh tế xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên”.

công nghệ 4.0 covid-19

Chính phủ và các bộ ban hành liên quan cũng đã thực hiện những động thái rất tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp Công nghệ thông tin. Hiện tại, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây, dự thảo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang được Bộ TT&TT gấp rút hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. 

Cùng với đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý sẽ nhanh chóng xem xét và sớm đưa ra quyết định về một số chính sách đang chờ phê duyệt như thanh toán không dùng tiền mặt, Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động, công nhận và cấp chứng chỉ học tập trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ cũ 2G, thúc đẩy Sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư vào chính phủ điện tử và đảm bảo an ninh mạng,…

Đọc thêm: Ứng dụng Internet of things ở Việt Nam để phát triển bứt phá

Miếng bánh dành cho tất cả mọi người

Cùng với sự hỗ trợ hết mình từ phía những người làm chính sách, nhu cầu của thị trường đối với một môi trường kinh tế số ứng dụng các công nghệ 4.0 cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, ta nhận thấy rõ nhất hai xu hướng đang chiếm ưu thế vượt trội: Gia tăng các dịch vụ trực tuyến và sự trỗi dậy của ngành thương mại điện tử.

Ý tưởng về nền kinh tế dựa trên nền tảng của các dịch vụ trực tuyến không phải là mới, nhưng đại dịch COVID-19 có thể là bệ phóng cho cho sự phát triển kì lân của những mô hình kinh doanh này. Khi các chính phủ trên thế giới thực hiện nghiêm ngặt lệnh hạn chế tiếp xúc, con người ở khắp nơi trên thế giới cần phải tìm tới nhức cách thức mới để giao tiếp và thực hiện công việc từ xa. Ví dụ, các tiết học trực tuyến có thể phần nào thay thế giáo dục truyền thống. Học trực tuyến hiện nay sẽ không chỉ đơn thuần đề cập đến các bài giảng trên các nền tàng online, những buổi video call dành cho cả lớp học. Các công nghệ 4.0 như thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) có thể làm cho các bài học điện tử trở nên sinh động hơn. Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thông qua đại dịch COVID-19, ta cũng có thể nhận thấy nhiều lợi thế từ các dịch vụ chăm sóc và giám sát sức khỏe từ xa như giảm áp lực lên bệnh viện và giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.

Trên thực tế, thương mại điện tử ở Việt Nam trong những năm gần đây phát triển ngày càng khởi sắc. Theo báo cáo thị trường của Statista, năm 2019 Thị trường thương mại điện tử Việt Nam sở hữu 35,4 triệu người dùng và tạo ra doanh thu hơn 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tới sẽ mang đến một cú huých lớn cho ngành này. Khi đứng trước mối lo ngại liên quan tới sức khỏe, thậm chí cả mạng sống, việc ra ngoài để mua sắm lương thực thực phẩm ở các chợ truyền thống sẽ không còn quan trọng nữa. Nhiều bà nội trợ, hoặc những người trung và cao tuổi vốn xưa nay không mấy mặn mà với mua sắm trực tuyến, thì nay cũng đã tính đến việc đặt hàng ở các hệ thống siêu thị có uy tín. Nhu cầu này dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa khi gần đây, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi một thông điệp khuyến khích người dân lựa chọn mua sắm trực tuyến để giảm thiểu các cuộc tụ họp lớn và tránh đám đông.

công nghệ 4.0 covid-19

Nhiều nền tảng thương mại điện tử đã kết hợp các giải pháp công nghệ 4.0 để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng trong khi vẫn đảm bảo an toàn và giao hàng nhanh chóng cho khách hàng. Lazada Việt Nam là một ví dụ. Gần đây, Lazada đã ra mắt các điểm lấy hàng thông qua Smart Locker, được coi là một giải pháp ‘giao hàng không tiếp xúc’ để giúp giảm nguy cơ lây nhiễm virus. Người mua hàng mở khóa tủ khóa bằng OTP và 4 chữ số cuối của số điện thoại để nhận hàng mà không phải gặp trực tiếp người giao hàng. Mô hình này đang được triển khai tại 20 địa điểm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Gây ấn tượng với toàn thế giới bằng dịch vụ công số theo dõi sức khỏe toàn dân 

Hai ứng dụng: NCOVI dành cho người dân Việt Nam và Vietnam Health declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ra mắt ngày 9.3, tức là chỉ sau hơn 1 tháng Việt Nam phát hiện ca dương tính đầu tiên với COVID-19. Chỉ sau 2 ngày, hệ thống đã được triển khai tại 163 cửa khẩu, cảng hàng không với gần 22.000 hồ sơ được khai báo cấp xác nhận y tế.

Ứng dụng NCOVI (được nghiên cứu và phát triển bởi Tập đoàn VNPT và các công ty CNTT lớn tại Việt Nam) bao gồm nhiều chức năng như chức năng báo cáo các yếu tố rủi ro và chức năng thông báo sức khỏe phổ quát, thông báo địa điểm lưu trú của các bệnh nhân nhiễm COVID-19, scan QR Code để theo dõi tình trạng sức khỏe của người tiếp xúc,.

Ứng dụng thứ hai là Vietnam Health declaration (do Viettel Solutions phát triển). Mọi người vào Việt Nam có thể khai báo bằng cách quét mã QR qua điện thoại thông minh để nhận thông tin đầy đủ được khai báo.

Thành phố Hà Nội gần đây cũng đã kích hoạt hệ thống giám sát cộng đồng với GPS. Người dân có thể cài đặt ứng dụng Hà Nội Smart City để theo dõi các địa điểm chính xác tại Hà Nội mà bệnh nhân COVID-19 đã từng đến.

Đọc thêm: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Nên bắt đầu từ đâu?

Không thể bỏ qua nguy cơ từ các cuộc tấn công mạng

Tuy những thành tựu kể trên chứng minh sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa toàn bộ hệ thống chính trị với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhưng cũng đã bước đầu nảy sinh các thách thức cho hệ thống. Cảnh báo được đưa ra vào ngày 19 tháng 3 bởi Bộ Công an cho biết, một số nhóm tin tặc đã tận dụng đại dịch COVID-19 để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức ở các quốc gia khác nhau bao gồm cả Việt Nam.

Bộ An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Bộ Công An đã phát hiện một chiến dịch tấn công mạng, trong đó mã độc được lan truyền qua email. Các hacker đã lợi dụng thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 để thu hút sự chú ý của người dân. Đây là cảnh báo dành cho chính phủ và các cơ quan an ninh mạng phải tăng cường nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu các sự cố tương tự và ngăn chặn sự hoảng loạn của công chúng trong bối cảnh đại dịch. Cuộc chiến này, cũng như cuộc chiến chống Đại Dịch COVID-19 cần sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp CNTT Việt. 

—–

Cuộc sống vẫn tiếp diễn chỉ thay đổi theo cách vận hành khác hơn để phù hợp với tình hình thực tế. Và thậm chí, ngay trong những ngày đầu năm 2020 đầy sóng gió này, chúng ta vẫn kịp ghi tên mình vào những quốc gia ít ỏi có đủ năng lực để phổ cập mạng 5G trên diện rộng. Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đặt ra thách thức rất lớn cho tất cả các quốc gia nhưng cũng là cơ hội cho các nhà phát triển công nghệ 4.0 của Việt Nam vươn lên thay đổi thứ hạng và năng lực số của mình trên trường quốc tế.

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng