Sản xuất theo dây chuyền là gì? Ưu nhược điểm của phương thức sản xuất theo dây chuyền

05/07/2023

Sản xuất theo dây chuyền là một trong ba phương thức tổ chức sản xuất mà phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đang sử dụng. Cùng tìm hiểu sản xuất dây chuyền là gì và ưu nhược điểm của hình thức sản xuất này qua bài viết dưới đây.

Sản xuất theo dây chuyền là gì? 

Sản xuất theo dây chuyền là phương pháp tổ chức và quản lý quá trình sản xuất mà trong đó công việc được chia thành nhiều bước nhỏ và được thực hiện theo một trình tự hợp lý. Cụ thể, khi áp dụng phương thức sản xuất theo dây chuyền, các nguyên vật liệu dùng để tạo ra sản phẩm sẽ được di chuyển và lắp ráp từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối theo một trình tự xác định để tạo ra sản phẩm cuối cùng.

Sản xuất theo dây chuyền là gì?

Sản xuất theo dây chuyền là hình thức sản xuất tự động một phần, ở mỗi giai đoạn có thể có sự can thiệp của con người. Tại mỗi công đoạn lắp ráp, các công nhân/máy móc sẽ được phân công để thực hiện một nhiệm vụ nhất định. Sau đó, sản phẩm sẽ được di chuyển đến các công đoạn tiếp theo bằng băng chuyền, băng tải hoặc bởi các công nhân hay xe nâng. Các bước này sẽ được thực hiện liên tục cho đến khi tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Đặc điểm quy trình sản xuất theo dây chuyền

Tính liên tục: Đây là đặc điểm nổi bật nhất của hình thức sản xuất này. Quy trình sản xuất dây chuyền được thiết kế để hoạt động một cách liên tục, từ khi nguyên liệu được đưa vào đến khi sản phẩm hoàn thành. Điều này giúp tăng hiệu suất và giảm thời gian chờ đợi giữa các giai đoạn sản xuất.

Tính tuần tự: Các đối tượng được sản xuất theo một trình tự nhất định trên dây chuyền. Trong một thời điểm cụ thể, các đối tượng sản xuất được chuyển từ nơi làm việc này sang nơi làm việc khác theo từng sản phẩm hoặc từng chồng, từng nhóm một bằng phương tiện đặc biệt (băng chuyền, băng lăn, máng trượt, tay máy, cần trục).

Đối tượng sản xuất được luân chuyển theo một thứ tự nhất định trên dây chuyền sản xuất

Tính đồng nhất: Các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền có tính đồng nhất cao. Quy trình sản xuất được chuẩn hóa và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng cũng như sự nhất quán của sản phẩm.

Tính chuyên môn hóa: Quy trình sản xuất được phân đoạn thành các phần nhỏ cho từng trạm làm việc khác nhau trên mỗi dây chuyền. Mỗi trạm chịu trách nhiệm cho một nhiệm vụ cụ thể, tạo ra sự chuyên môn hóa và tăng cường hiệu quả trong việc thực hiện công việc.

Ví dụ về tổ chức sản xuất theo dây chuyền

Một ví dụ dễ hiểu về phương thức tổ chức sản xuất theo dây chuyền là hoạt động sản xuất ô tô. Dây chuyền sản xuất một chiếc ô tô hoàn chỉnh sẽ được phân chia thành nhiều công đoạn sản xuất nhỏ để tạo nên một sản phẩm hoàn thiện cuối cùng.

Minh họa dây chuyền sản xuất ô tô

Quy trình sản xuất ô tô theo dây chuyền bắt đầu từ việc cắt và hàn các mảnh kim loại để tạo nên khung xe ô tô. Đầu tiên, các mảnh kim loại sẽ được chuyển đến từng trạm làm việc trên dây chuyền, nơi các công nhân tiến hành cắt và hàn chúng để tạo thành khung xe. Khung xe sau khi đã được hoàn thành sẽ được chuyển đến các đến trạm tiếp theo để lắp ráp hệ thống treo, động cơ, hộp số và các bộ phận khác. Cuối cùng là quá trình sơn, lắp đặt nội thất và tiến hành chạy thử nghiệm. Tại mỗi công đoạn sẽ sử dụng các thiết bị máy móc khác nhau như cánh tay rô bốt, máy CNC, máy đúc, máy hàn, băng chuyền, máy sơn,… để hỗ trợ.

3 nguyên tắc chính của phương pháp sản xuất dây chuyền

  1. Vận chuyển liên tục: Nguyên tắc này yêu cầu sản phẩm phải được di chuyển liên tục trên dây chuyền sản xuất, mỗi bước trong quy trình sản xuất phải được thực hiện ngay sau khi hoàn thành bước trước đó. Điều này giúp tối ưu hóa thời gian và tăng năng suất sản xuất.
  2. Nguyên tắc tối ưu hóa quy trình: Dây chuyền sản xuất nên giản lược các bước không cần thiết để tối ưu hóa thời gian chờ, giảm thiểu lãng phí và gia tăng hiệu suất vận hành.
  3. Liên tục cải tiến: Các doanh nghiệp cần không ngừng tìm kiếm cách cải thiện quy trình sản xuất, tối ưu hóa hoạt động của dây chuyền và áp dụng các phương pháp, công nghệ mới nhằm tăng cường năng suất, giảm lãng phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Doanh nghiệp tuân thủ 3 nguyên tắc trên sẽ đảm bảo dây chuyền sản xuất đạt hiệu quả và năng suất cao, đồng thời cải thiện chất lượng sản xuất.

Đọc thêm: Cải tiến liên tục – chìa khóa thành công của quản trị sản xuất

Ưu và nhược điểm của phương pháp sản xuất theo dây chuyền 

Ưu điểm của phương pháp sản xuất dây chuyền

  • Sản xuất hàng loạt: Sản xuất dây chuyền có khả năng xử lý số lượng lớn sản phẩm trong một thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lớn, do đó sẽ phù hợp với mô hình sản xuất hàng loạt.
  • Tiết kiệm chi phí: Phương pháp sản xuất này sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu phần nào số lượng nhân công trên mỗi dây chuyền sản xuất, đồng thời tối ưu hóa thời gian chờ giữa các công đoạn, từ đó tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí nhân công hơn.
  • Kiểm soát chất lượng: Trên dây chuyền, quy trình kiểm tra và kiểm soát chất lượng được tích hợp. Điều này giúp phát hiện sớm các lỗi hoặc sản phẩm không đạt yêu cầu chất lượng, đảm bảo sản phẩm cuối cùng đáp ứng đúng yêu cầu.

Nhược điểm của sản xuất dây chuyền

  • Hạn chế năng lực sản xuất: Việc dây chuyền sản xuất chỉ sản xuất một sản phẩm duy nhất hoặc các sản phẩm tương tự sẽ giới hạn khả năng sản xuất của doanh nghiệp.
  • Chi phí triển khai, thiết lập ban đầu cao: Triển khai hệ thống dây chuyền sản xuất đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư vào các thiết bị, máy móc, công cụ, chi phí đào tạo nhân viên để vận hành dây chuyền. Điều này có thể gây áp lực tài chính lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi bắt đầu triển khai phương pháp sản xuất này.

Bài toán chi phí là vấn đề lớn đối với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ

Điều kiện áp dụng phương pháp sản xuất theo dây chuyền

Để ứng dụng phương thức sản xuất theo dây chuyền một cách hiệu quả nhất, doanh nghiệp cũng cần lưu ý một số điều kiện sau:

  • Sản phẩm đơn giản: Sản xuất theo dây chuyền thích hợp cho các sản phẩm có cấu trúc đơn giản, không yêu cầu nhiều tùy chỉnh hoặc biến thể.
  • Nhu cầu sản xuất ổn định: Doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất ổn định và không có sự biến động lớn trong nhu cầu sản phẩm, đảm bảo sự ổn định trong quy trình.
  • Có nguồn lực tài chính tốt: Doanh nghiệp cần có nguồn vốn và khả năng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho dây chuyền sản xuất hoạt động hiệu quả.

Kết luận

Hy vọng rằng thông qua bài viết này, doanh nghiệp đã có cái nhìn tổng quan về sản xuất dây chuyền và những lợi ích mà hình thức sản xuất này mang lại. Sản xuất dây chuyền không chỉ là một công nghệ cốt lõi trong việc tổ chức sản xuất hàng loạt, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sự cạnh tranh và thành công của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng