3 xu hướng công nghệ kết nối nổi bật tại ASEAN năm 2020
Nội dung bài viết
Năm 2019 là một năm bội thu cho các dự án Chuyển đổi số trong Doanh nghiệp (Enterprise Digital Transformation) ở Đông Nam Á. Sự phụ thuộc vào công nghệ của từng cá nhân hoặc tổ chức ngày càng tăng lên hiện nay. Điều này đang trở thành động lực khuyến khích các nhà cung cấp đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ mới hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị thường. Bài viết dưới đây sẽ trình bày về 3 xu hướng công nghệ kết nối đặc biệt nổi bật tại ASEAN vào năm nay – năm 2020.
Dựa trên phân tích của Cisco, ba xu hướng kết nối nổi bật nhất trong năm 2020 sẽ là:
1) Xu hướng công nghệ 5G
Năm 2020 được dự kiến là năm “thăng hoa” của mạng 5G với các gói dữ liệu hiệu quả, chi phí hợp lý hơn cũng như phạm vi cải thiện đáng kể. 5G đảm bảo tốc độ truy cập mạng nhanh hơn năm lần so với khả năng đáp ứng của mạng 4G. Ở thời điểm hiện tại, Mạng 5G cho phép người dùng download phim ảnh chỉ trong 5 giây. Tốc độ kết nối nhanh như chớp này có thể tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực truyền thông di động.
5G sẽ thay đổi vai trò của nhà mạng – không chỉ dừng lại ở một nhà phân phối công nghệ mà còn là nhà cung cấp dịch vụ. Sự thay đổi này sẽ buộc các công ty viễn thông phải tương tác với chính phủ, khách hàng doanh nghiệp và thay đổi cách tiếp cận bán hàng của họ để hỗ trợ khách hàng tận dụng mức độ phổ biến rộng rãi của 5G.
Theo báo cáo của Cơ quan xúc tiến kinh tế số (DEPA) về tác động của 5G đối với Thái Lan, nước này đã chứng kiến sự tăng trưởng về lưu lượng dữ liệu khi đưa công nghệ này áp dụng thực tế. Khối lượng dữ liệu dưới dạng dịch vụ tại Thái Lan tính đến năm 2017 cao gấp 6 lần so với năm 2014. Băng thông trung bình trên mỗi người dùng hiện ở mức 4,11GB mỗi tháng. Tỷ lệ thích ứng cao của 3G và 4G, cùng với sự phổ biến của điện thoại di di động ở Thái Lan đã khuyến khích mọi người sử dụng nhiều dịch vụ và hoạt động trực tuyến hơn như ngân hàng số, thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử.
Với mạng 5G, Thái Lan dự kiến sẽ chứng kiến sự tăng trưởng theo cấp số nhân của lưu lượng dữ liệu, đặc biệt là từ các thiết bị IoT. Chính phủ tại đất nước này cũng đã ban bố một vài chính sách hậu thuẫn cho sự phát triển sâu rộng của xu hướng công nghệ này. Với các động thái này, chính phủ Thái Lan hi vọng rằng, những quyết định trên sẽ thúc đẩy quá trình mở rộng của mạng 5G tại các tập đoàn viễn thông lớn trong nước: DTAC, TOT PIc và CAT Telecom.
Ở tầm vi mô, các doanh nghiệp nên cân nhắc về các lợi ích kinh doanh thu được từ các dịch vụ hay sản phẩm giúp truy cập internet nhanh, ổn định và có thể truy cập ở bất cứ nơi đâu. Sự gia tăng băng thông sẽ cho phép máy móc, robot và phương tiện độc lập thu thập và truyền nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết, là tiền đề của những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực Internet vạn vật (IoT) và máy móc thông minh.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 nhà mạng Viettel, Mobifone, VNPT, đồng thời tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp của Việt Nam bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu về các thiết bị 5G. Hơn thế nữa, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi như miễn thuế, thủ tục cấp phép… cho các đơn vị đầu tư cho việc nghiên cứu và sản xuất chip-set 5G, internet kết nối vạn vật…
Với sự vào cuộc của các đơn vị công nghệ thông tin trong nước cùng sự hỗ trợ của chính phủ và các cơ quan quản lý, bộ vi xử lý chip-set công nghệ 5G có thương hiệu Made in Vietnam sẽ xuất hiện trong năm nay để tạo nền tảng, động lực cho những đột phá của Việt Nam.
Đọc thêm: Tại sao công nghệ 5G lại thúc đẩy mô hình smart factory?
2) Xu hướng công nghệ Wi-Fi 6
Công nghệ không dây – đặc biệt là Wi-Fi thế hệ thứ 6 hay còn được gọi là chuẩn wifi 802.11ax hoặc mạng không dây hiệu quả cao – có thể được sử dụng và làm mới điểm truy cập trong doanh nghiệp. Wi-Fi 6 được thiết kế để tăng cường tốc độ, hiệu quả và giảm bớt tắc nghẽn trong các tình huống cần sử dụng băng thông lớn như sân vận động, phòng hòa nhạc, trung tâm hội nghị hoặc tòa nhà chung cư.
Với sự xuất hiện của Wi-Fi 6, chúng ta sẽ thấy số lượng thiết bị có thể kết nối với mạng Wi-Fi tăng lên, cùng với thời lượng sử dụng pin dài hơn và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các chip Wi-Fi 6 đã được tung ra trên thị trường và một số nhà sản xuất điểm truy cập đã bắt đầu phát hành các sản phẩm tuân thủ thông số kỹ thuật. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh cũng dự kiến sẽ bổ sung Wi-Fi 6 vào thế hệ thiết bị cầm tay tiếp theo, trong khi các nhà sản xuất thiết bị kết nối sẽ kết hợp công nghệ không dây mới trong một loạt các sản phẩm IoT trong năm nay.
Cũng tại Thái Lan, một số nhà sản xuất như Intel, Samsung, AIS và Huawei đã bắt đầu chuyển sang Wi-Fi 6. Tiến sĩ Osama Aboul-Magd, Chủ tịch Hiệp hội IEEE 802.11ax của Huawei đã đề cập về tương lai của Wi-Fi 6 từ năm 2019 khi chia sẻ rằng, Wi-Fi 6 sẽ được đưa vào sử dụng tại các công ty, tập đoàn lớn và các khu vực quy mô lớn như sân vận động và sân bay. Và giai đoạn 2020-2023, nó được kỳ vọng sẽ gia nhập sâu vào thị trường Wi-Fi và cuối cùng thay thế Wi-Fi 5 INTERN hiện tại.
3) Xu hướng công nghệ mạng SD-WAN
SD-WAN là một mạng diện rộng, hỗ trợ phần nào cho cân bằng tải đường truyền và được xác định bởi phần mềm SDN (software-defined networking). Công nghệ SD – WAN này cho phép doanh nghiệp tạo ra một kiến trúc WAN lai kết nối nhiều đường MPLS, cung cấp tính năng tự động hóa chương trình, ứng dụng và các điều kiện khác của mạng. Bên cạnh đó, nó cũng thực hiện nhiệm vụ sàng lọc, phân loại chi tiết ra ứng dụng nào là tốt nhất và đặt ưu tiên tuyệt đối cho ứng dụng quan trọng, đảm bảo được vận hành tốt nhất. Đây là giải pháp thay thế cho thế hệ tiếp theo của WAN, các công nghệ SD – WAN giải quyết các yêu cầu về hạ tầng ứng dụng và chi nhánh.
Một mạng LAN truyền thống dựa trên các bộ định tuyến thông thường không thể kết nối hiệu quả với hệ thống Internet với hệ thống cơ sở hạ tầng phức tạp như thời điểm hiện tại. Doanh nghiệp thường phải điều chỉnh lại tất cả lưu lượng truy cập từ các văn phòng chi nhánh đến một trung tâm dữ liệu nơi có thể áp dụng các dịch vụ kiểm tra an ninh tiên tiến. Sự chậm trễ gây ra bởi quá trình chuyển tiếp lưu lượng trên đã làm giảm hiệu suất ứng dụng, cung cấp trải nghiệm người dùng kém chất lượng và giảm năng suất. Trong khi đó, mô hình SD-WAN được thiết kế để hỗ trợ đầy đủ các ứng dụng được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu tại cơ sở, đám mây công cộng hoặc riêng tư và các giải pháp ERP, CRM…,, đồng thời mang lại hiệu suất ứng dụng cao nhất.
Các SD-WAN hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối theo từng khu vực vị trí địa lý với tốc độ nhanh hơn, nâng cao năng suất kinh doanh và sự hài lòng của người dùng, cải thiện an ninh và giảm các mối đe dọa, đồng thời giảm chi phí đáng kể tới 90%.
Theo Marketreportsworld, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) sẽ là khu vực dự kiến có tốc độ tăng trưởng CAGR cao nhất từ năm 2019 đến 2024 trong Thị trường. Dự kiến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn 63% thị phần sử dụng loại hình kết nối này vào cuối năm 2024, đặc biệt là tại Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á cũng rất tiềm năng với tốc độ phát triển nhanh.
Các yếu tố tăng trưởng chính thúc đẩy việc áp dụng SD-WAN bao gồm nhu cầu ngày càng tăng để tập trung quản lý mạng và giảm chi phí vận hành. Hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APAC) là khu vực phát triển nhanh nhất và có lực lượng các nhà đầu tư tiềm năng cao, do vậy nhiều tập đoàn cung ứng dịch vụ liên quan SD-WAN đang hướng tới đầu tư tại khu vực này.
Đọc thêm: Các công nghệ sản xuất thông minh mới nhất năm 2020
Kết
Nói tóm lại, những xu hướng công nghệ này có thể mang lại lợi ích lớn cho nhiều công ty, tuy nhiên, chúng cũng sẽ tạo ra những thách thức lớn trong hoạt động triển khai công nghệ. Các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN nên học hỏi từ quá khứ, thận trọng ở hiện tại, hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp khác trong khu vực để có thể sử dụng được hiệu quả các xu hướng công nghệ trên và không bị bỏ lại phía sau trong quá trình hội nhập.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved