Phân biệt 3 khái niệm IaaS, PaaS, SaaS
Nội dung bài viết
IaaS, PaaS, SaaS là các dịch vụ cho phép doanh nghiệp sử dụng, truy cập và làm việc từ xa qua hệ thống Internet. Cùng tìm hiểu về sự khác biệt của ba loại hình điện toán đám mây này để tìm ra dịch vụ phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về khái niệm IaaS, PaaS, SaaS
IaaS, PaaS, SaaS là những mô hình dịch vụ do nhà cung cấp giải pháp đám mây (Cloud provider) cung cấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai, vận hành các ứng dụng, dữ liệu và hạ tầng. Mỗi mô hình khác nhau lại có những ưu điểm riêng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp.
IaaS – Infrastructure as a Service
Dịch vụ cho thuê cơ sở hạ tầng đám mây (Infrastructure). Nhà cung cấp sẽ cấp cho doanh nghiệp quyền sử dụng những cơ sở hạ tầng theo yêu cầu như: Server, ổ cứng, mạng nội bộ, hệ điều hành,… bằng công nghệ ảo hóa để chạy các ứng dụng trên đó. Khi sử dụng IaaS, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền kiểm soát toàn bộ cơ sở hạ tầng.
Dịch vụ IaaS là một cách làm đơn giản nhưng hiệu quả để doanh nghiệp có thể mua tài nguyên theo nhu cầu thay vì phải tự mua hoàn toàn phần cứng, từ đó sử dụng tài nguyên và nguồn lực cần thiết cho các mục đích khác. Với dịch vụ này, doanh nghiệp có thể phát triển các dự án riêng mà không cần có cơ sở hạ tầng cục bộ. Các sản phẩm dạng IaaS có thể ở hình thức công cộng, riêng tư hoặc kết hợp cả hai.
PaaS – Platform as a Service
Dịch vụ cho thuê nền tảng đám mây (Platform). Các nền tảng hoàn chỉnh được lưu trữ trên đám mây như: Hệ điều hành, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, ngôn ngữ lập trình,… sẽ được nhà cung cấp cho thuê. Người dùng chỉ cần tập trung vào phát triển ứng dụng, chạy và quản lý dữ liệu; nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm bảo tất cả thành phần liên quan khác. Điều này giúp doanh nghiệp và người dùng giảm bớt công việc quản lý hạ tầng, cho phép họ tập trung vào phát triển ứng dụng và nâng cấp các tính năng cao cấp hơn.
PaaS hoạt động như một nền tảng xây dựng phần mềm, ứng dụng và thử nghiệm. Nền tảng này thường được các nhà phát triển phần mềm hoặc các kỹ sư công nghệ sử dụng nhằm tự phát triển và triển khai ứng dụng của họ thông qua mạng Internet.
SaaS – Software as a Service
SaaS là dịch vụ cho thuê phần mềm đám mây (Software). Quyền truy cập vào phần mềm, ứng dụng sẽ được cung cấp cho người dùng khi họ trả phí sử dụng. Khách hàng chịu trách nhiệm quản lý tất cả vấn đề từ hạ tầng tới kỹ thuật.
SaaS cho phép người dùng sử dụng và chạy phần mềm mà không cần phải đáp ứng yêu cầu về phần cứng. Khi sử dụng dịch vụ SaaS, người dùng không cần bận tâm đến cơ sở hạ tầng, ngôn ngữ lập trình, cách database được xây dựng,… mà có thể sử dụng ngay lập tức sau khi trả phí sử dụng.
Đa số các ứng dụng SaaS có thể chạy trực tiếp thông qua trình duyệt web mà không yêu cầu người dùng phải download hay cài đặt. Ngoài ra, một số SaaS còn tương đối linh hoạt, cho phép người dùng mở rộng gói đăng ký một cách tự do. Các ứng dụng dạng SaaS tiêu biểu hiện nay có thể kể như: Google Workspace, Office 365, Slack,…
So sánh IaaS, PaaS, SaaS
IaaS
Ưu điểm của IaaS
- Khả năng tùy biến cao: Doanh nghiệp có thể xây dựng và tùy biến cơ sở hạ tầng ảo phù hợp với nhu cầu của mình.
- Khả năng phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ: Các dịch vụ IaaS với đặc tính linh hoạt sẽ phục hồi dữ liệu nhanh chóng khi sự cố xảy ra.
Đối tượng phù hợp sử dụng IaaS
- Doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ: IaaS là một lựa chọn hợp lý cho các doanh nghiệp mới thành lập hoặc có quy mô nhỏ. Thay vì đầu tư vào xây dựng và duy trì một hạ tầng IT riêng, các doanh nghiệp có thể sử dụng IaaS để thuê tài nguyên máy chủ, trạm lưu trữ và mạng theo nhu cầu để tiết kiệm chi phí.
- Doanh nghiệp có yêu cầu thử nghiệm và phát triển nhanh chóng: IaaS cung cấp môi trường linh hoạt và dễ dàng mở rộng cho các doanh nghiệp có nhu cầu thử nghiệm, phát triển ứng dụng. Doanh nghiệp có thể sử dụng IaaS để triển khai và kiểm thử phần mềm một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí.
Ứng dụng IaaS trong thực tế
- Sao lưu và khôi phục dữ liệu: IaaS cung cấp khả năng sao lưu và khôi phục dữ liệu linh hoạt, tiện lợi. Doanh nghiệp có thể tạo bản sao dự phòng của các dữ liệu quan trọng, sau đó tải lên IaaS. Điều này giúp đảm bảo an toàn và khả năng phục hồi dữ liệu trong trường hợp xảy ra sự cố.
- Máy chủ ảo và hạ tầng truyền thông: IaaS cho phép doanh nghiệp xây dựng và quản lý các máy chủ ảo trên cơ sở hạ tầng đám mây. Điều này giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chi phí vận hành hạ tầng. Các doanh nghiệp cũng có thể triển khai và quản lý các dịch vụ truyền thông như máy chủ video, streaming media hay cơ sở hạ tầng mạng trên nền tảng IaaS.
- Phát triển, thử nghiệm và kiểm thử ứng dụng: IaaS cung cấp một môi trường tách biệt và linh hoạt để người dùng có thể dễ dàng thử nghiệm, kiểm tra các chức năng, hiệu suất, tính bảo mật và ổn định của các phiên bản phần mềm mà không làm ảnh hưởng đến môi trường triển khai thực tế.
SaaS
Ưu điểm của SaaS
- Tiết kiệm thời gian, dễ triển khai và sử dụng: Dịch vụ SaaS loại bỏ hết những khâu triển khai hạ tầng kỹ thuật. Tất cả những gì người dùng cần làm là tạo tài khoản và trả phí để bắt đầu sử dụng ứng dụng.
- Kiểm soát được chi phí, ngân sách: Các gói sử dụng cố định theo một thời gian trả trước sẽ được nhà cung cấp gợi ý khi người dùng đăng ký phần mềm. Chi phí đó sẽ không thay đổi trong suốt quá trình sử dụng, giúp người dùng kiểm soát tốt ngân sách.
- Tiết kiệm chi phí triển khai ban đầu: Khi sử dụng SaaS, doanh nghiệp không cần phải tốn chi phí đầu tư cho phần cứng và các chi phí khác liên quan đến duy trì và nâng cấp phần mềm. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ trả phí sử dụng dịch vụ theo mô hình trả trước hoặc trả theo thời gian sử dụng.
- Dễ dàng sử dụng: Các phần mềm dưới dạng dịch vụ rất dễ sử dụng đối với người dùng và không yêu cầu người dùng phải có nhiều kiến thức chuyên sâu.
Đối tượng phù hợp sử dụng SaaS
- Doanh nghiệp cần triển khai các dự án ngắn hạn: SaaS rất phù hợp với những dự án triển khai trong thời gian ngắn, cần nhanh chóng đáp ứng các nhu cầu phù hợp với tính chất, đặc thù riêng. Với SaaS, doanh nghiệp sẽ được cung cấp giải pháp ngay lập tức mà không mất thời gian triển khai, lắp đặt cơ sở hạ tầng.
- Doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phần mềm không thường xuyên: Một số nghiệp vụ kinh doanh có tần suất sử dụng không thường xuyên (ví dụ như nghiệp vụ thuế, nghiệp vụ xử lý sự cố,…) nếu triển khai dưới dạng module tích hợp chung với hệ thống có thể gây tốn chi phí. Trong khi đó, sử dụng phần mềm riêng lẻ dưới dạng SaaS có thể giải quyết được vấn đề này.
- Doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp (Start-up): SaaS là một giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính chưa lớn tránh được các chi phí ban đầu để mua và triển khai hệ thống, cài đặt phần mềm. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần trả phí sử dụng dịch vụ theo mô hình trả trước hoặc trả theo thời gian sử dụng, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tài nguyên.
- Doanh nghiệp có khả năng mở rộng quy mô nhanh: Các doanh nghiệp phát triển quy mô nhanh hoặc linh hoạt thay đổi quy mô theo nhu cầu thị trường cũng là đối tượng phù hợp sử dụng dịch vụ SaaS. Khi mở rộng quy mô, doanh nghiệp có thể chủ động tăng thêm số lượng người sử dụng phần mềm, nâng cấp thêm tính năng sử dụng theo nhu cầu dễ dàng.
Ứng dụng SaaS trong thực tế
- Phần mềm xử lý một nghiệp vụ riêng lẻ: Các phần mềm Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Quản trị tài chính kế toán, Quản lý dự án, Quản lý kho,… được triển khai trên đám mây.
- Phần mềm làm việc và cộng tác chung: Các công cụ SaaS như Microsoft Office 365, Google Workspace và Slack cho phép người dùng làm việc và cộng tác một cách hiệu quả trong môi trường trực tuyến. Các ứng dụng này cung cấp tính năng chia sẻ tài liệu, lịch trình, email, cuộc họp trực tuyến và trao đổi thông tin qua các kênh trò chuyện.
PaaS
Ưu điểm của PaaS
- Giảm bớt gánh nặng quản lý hạ tầng: Doanh nghiệp không cần đầu tư hệ thống phần cứng, tìm hiểu về kiến trúc hạ tầng. Nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ chủ động tối ưu hạ tầng, bản cập nhật bảo mật cho nền tảng của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình: PaaS cho phép doanh nghiệp phát triển ứng dụng trên nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau như C+,C#, PHP, Java,… giúp doanh nghiệp đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng trên nhiều thiết bị sử dụng.
- Chi phí rẻ: Sử dụng PaaS doanh nghiệp chỉ cần trả tiền cho những tài nguyên đã sử dụng, từ đó tiết kiệm tối đa chi phí.
- Tiếp cận thị trường nhanh chóng: PaaS là môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ứng dụng nhanh chóng, đưa ra thị trường một cách nhanh nhất.
Đối tượng phù hợp dùng PaaS
- Doanh nghiệp công nghệ: PaaS cung cấp một môi trường phát triển ứng dụng linh hoạt và tiện lợi, cho phép các công ty phần mềm, startup công nghệ hay nhà phát triển có thể xây dựng, triển khai và quản lý ứng dụng trên đó một cách nhanh chóng, hiệu quả.
- Doanh nghiệp thương mại điện tử: PaaS cung cấp các công cụ, tài nguyên hỗ trợ doanh nghiệp tạo website bán hàng trực tuyến, quản lý đơn hàng, thanh toán và tích hợp các hệ thống back-end một cách dễ dàng.
- Doanh nghiệp đa quốc gia: PaaS phù hợp với các doanh nghiệp đa quốc gia hoặc có văn phòng chi nhánh trên toàn cầu. Bằng cách sử dụng PaaS, doanh nghiệp có thể tạo ra các ứng dụng một cách linh hoạt dù cho đang ngồi ở bất kỳ đâu, giúp đơn giản hóa việc triển khai và quản lý trên nhiều khu vực, quốc gia khác nhau.
- Doanh nghiệp truy cập theo yêu cầu (On-demand access): Phục vụ nhu cầu truy cập ngắn hạn theo thời gian hoặc giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp.
Ứng dụng PaaS trong thực tế
- Phát triển ứng dụng: PaaS đơn giản hóa công việc của các kỹ sư phát triển phần mềm bằng cách cung cấp các công cụ phát triển và khung làm việc tiên tiến, giúp nhà phát triển xây dựng và triển khai ứng dụng nhanh chóng hơn.
- Machine Learning và AI: PaaS cung cấp các dịch vụ và công cụ hỗ trợ người dùng xây dựng và huấn luyện mô hình Machine Learning, triển khai các ứng dụng dự đoán và xử lý dữ liệu, đồng thời cho phép họ sử dụng các dịch vụ AI có sẵn để tăng cường chức năng của ứng dụng.
- Internet of Things (IoT): PaaS cung cấp một cơ sở hạ tầng cho việc phát triển và quản lý các ứng dụng IoT. Với PaaS, các doanh nghiệp có thể xây dựng và triển khai các ứng dụng IoT để thu thập, phân tích, sử dụng dữ liệu từ các thiết bị kết nối.
Sự khác biệt giữa IaaS, PaaS, SaaS và On Premise?
Nếu sử dụng phần mềm dạng On Premise, doanh nghiệp sẽ phải quản lý tất cả tài sản IT như cơ sở hạ tầng, phần mềm và ứng dụng trong môi trường nội bộ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm cho việc mua sắm thiết bị, cài đặt cấu hình, bảo trì – nâng cấp hạ tầng, phần mềm cũng như các vấn đề về bảo mật, backup và quản lý dữ liệu.
Còn khi sử dụng các giải pháp Cloud như IaaS, PaaS, SaaS; doanh nghiệp sẽ giảm bớt được một phần gánh nặng quản lý để tập trung nguồn lực phát triển các mục tiêu khác. IaaS, PaaS giúp doanh nghiệp quản lý một số tài nguyên như hệ điều hành, server, mạng, bộ nhớ,… còn khi sử dụng SaaS, nhà cung cấp sẽ quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng IT cho doanh nghiệp.
Kết luận
Những giải pháp điện toán đám mây như IaaS, PaaS, SaaS đã và đang giúp ích cho rất nhiều doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ, nguồn tài nguyên có sẵn với một chi phí hợp lý. Cùng với những ưu điểm nổi bật khác như tính linh hoạt, khả năng mở rộng và cập nhật liên tục, các dịch vụ đám mây đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của thời đại số và là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ra sự khác biệt, tính cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng đa dạng, phức tạp hiện nay.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved