5 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng

13/07/2023

Chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự liên kết và thông suốt trong quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa. Để cải thiện hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng, cùng iFactory phân tích 5 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng qua bài viết dưới đây. 

5 yếu tố chính thúc đẩy chuỗi cung ứng

Sản xuất

Sản xuất là một trong 5 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng, đóng vai trò tạo ra hàng hóa, sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà quản lý cần cân nhắc những yếu tố sau đây khi đưa ra quyết định sản xuất:

  • Đảm bảo năng lực sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường: Hoạt động sản xuất nên được thực hiện dựa trên việc đánh giá và dự đoán nhu cầu thị trường. Thông qua việc thu thập thông tin về xu hướng tiêu dùng, sự biến động của thị trường và phản hồi từ khách hàng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp nhất, tránh sản xuất dư thừa gây lãng phí nguồn lực.
  • Quản lý lịch sản xuất: Nhà quản lý cần đảm bảo rằng lịch sản xuất nên phù hợp với năng lực sản xuất của các dây chuyền và thiết bị. Lịch sản xuất hợp lý có thể tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu thời gian chờ và tăng năng suất.
  • Kiểm soát chất lượng sản phẩm: Quá trình sản xuất cần được kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn trước khi tham gia vào các giai đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm đầu ra cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu lỗi trong quá trình sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao sự uy tín trong chuỗi cung ứng.
  • Bảo trì thiết bị: Để dây chuyền sản xuất hoạt động hiệu quả và ổn định, công tác bảo trì – sửa chữa cần phải được thực hiện thường xuyên. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp ngăn chặn các sự cố gây gián đoạn sản xuất do hỏng/chết máy, từ đó đảm bảo chuỗi cung ứng diễn ra liên tục. 
  • Cải tiến quy trình sản xuất: Quy trình sản xuất cần liên tục được cải tiến để tăng cường hiệu quả tới mức tối ưu. Bằng cách áp dụng các phương pháp cải tiến như Lean Manufacturing hay Six Sigma, nhà máy sản xuất có thể giảm lãng phí, tăng năng suất và cải thiện quá trình sản xuất tổng thể. Cải tiến quy trình sản xuất còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, giảm thiểu thời gian và chi phí sản xuất, đồng thời tăng cường khả năng đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt trong chuỗi cung ứng.

Đọc thêm: 4 ví dụ về thực hành triển khai mô hình Lean Manufacturing

Tồn kho

Quản lý tồn kho hiệu quả là yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng. Mức tồn kho trong doanh nghiệp cần phải đảm bảo được hai tiêu chí chính là: Khả năng đáp ứng nhu cầu và hiệu quả về chi phí. Do đó, các quyết định liên quan đến tồn kho cần phải được xem xét dựa trên hai tiêu chí này.

Về khả năng đáp ứng nhu cầu

Mức tồn kho của doanh nghiệp cần phải duy trì ở một mức nhất định để đảm bảo rằng hàng hóa luôn có sẵn mỗi khi có yêu cầu đặt hàng. Yếu tố này sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng của khách hàng và duy trì mối quan hệ cung – cầu ổn định.

Doanh nghiệp nên duy trì một mức tồn khi nhất định

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các phương pháp dự báo như dự báo theo xu hướng, mô hình dự báo,… để ước tính nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng và lập kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phù hợp. Điều này giúp đảm bảo sự cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu của khách hàng, tránh tình trạng thiếu hoặc thừa hàng hóa tồn kho.

Về hiệu quả chi phí

  • Giảm thiểu chi phí tồn kho: Quản lý tồn kho tốt giúp doanh nghiệp giảm thiểu phần lớn các chi phí liên quan đến kho, bãi. Duy trì quá nhiều hàng tồn kho có thể dẫn đến các chi phí bảo quản, kiểm tra, bảo hiểm tăng cao; gây áp lực tài chính tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá ít hàng tồn kho lại có thể gây ra thiếu hụt hàng hóa tại thời điểm nhất định. Nếu quy trình sản xuất không đáp ứng kịp số lượng hàng hóa thiếu hụt có thể làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các phương pháp quản lý tồn kho như Just-in-Time (JIT) và phân tích dữ liệu có thể giúp doanh nghiệp tính toán, đo lường mức tồn kho tối thiểu hợp lý nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
  • Tối ưu hóa phân phối hàng hóa: Bằng cách xác định đúng vị trí và số lượng hàng tồn kho, doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, tối ưu hoạt động kho bãi và phân phối hàng hóa. Hiện nay có rất nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống quản lý kho thông minh và kỹ thuật định vị bằng RFID (Radio Frequency Identification) giúp theo dõi, quản lý tồn kho một cách hiệu quả, từ đó tăng cường khả năng phân phối hàng hóa một cách chính xác, linh hoạt.

Đọc thêm: Mọi điều bạn cần biết về JIT 

Mỗi doanh nghiệp sẽ có các chính sách về hàng tồn kho khác nhau tùy thuộc vào tính chất, đặc thù ngành và kế hoạch phát triển của công ty. Ví dụ, nhà cung cấp vật tư công nghiệp chất lượng hàng đầu thế giới W.W. Grainger đã dự trữ một lượng lớn hàng tồn kho vì các sản phẩm của hãng vẫn giữ được giá trị trong một thời gian dài. 

Tuy nhiên, với lĩnh vực thời trang may mặc có tính chất thay đổi liên tục theo xu hướng và mùa vụ, việc dự trữ hàng tồn kho ở mức cao có thể gây nguy hiểm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Zara – thương hiệu quần áo và phụ kiện nổi tiếng của Tây Ban Nha đã liên tục tung ra thị trường các mẫu sản phẩm mới với tần suất 2 lần/tuần, đồng thời luôn duy trì mức tồn kho dưới 10% so với mức trung bình 17 – 20% của nhiều công ty trên thị trường. Lịch trình sản xuất cao, ổn định, thời gian phân phối nhanh chóng của chuỗi cung ứng đã giúp hãng này cung cấp khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng hiệu quả với chi phí thấp.

Vận chuyển

Vận chuyển cũng là một thành phần quan trọng nằm trong 5 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng, có nhiệm vụ di chuyển hàng hóa từ nguồn sản xuất tới điểm cuối (người tiêu dùng). Các quyết định về phương tiện, tuyến đường, số lượng hàng hóa,… với cùng một mục đích là vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, đồng thời tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Quyết định được tối ưu với những tiêu chí sau:

  • Đáp ứng nhu cầu vận chuyển: Đảm bảo doanh nghiệp có sẵn các phương tiện và dịch vụ vận chuyển phù hợp để đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng. Tùy thuộc vào tính chất hàng hóa và yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp sẽ đưa ra các quyết định chiến lược phù hợp để quá trình vận chuyển được thực hiện một cách hiệu quả.
  • Tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển: Rút ngắn quãng đường vận chuyển sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và chi phí giao hàng, nhờ đó tối ưu hóa lợi nhuận và đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của bên mua. Do vậy, nhà quản lý nên xem xét các yếu tố như khoảng cách, tình trạng giao thông, cước phí và yêu cầu của khách hàng, để lựa chọn ra tuyến đường ngắn nhất, ít kẹt xe hoặc tuyến đường có chi phí thấp nhất.

Tối ưu tuyến đường vận chuyển đồng thời tối ưu chi phí của doanh nghiệp

  • Quản lý và theo dõi hàng hóa: Sử dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý định vị để quản lý, theo dõi hàng hóa trong quá trình vận chuyển. Bằng cách sử dụng các công nghệ như mã vạch, hệ thống quản lý kho thông minh, GPS và RFID, doanh nghiệp có thể theo dõi vị trí và trạng thái của hàng hóa một cách nhanh chóng. Điều này giúp đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy của thông tin vận chuyển và cung cấp khả năng theo dõi hàng hóa trong thời gian thực cho các bên liên quan.
  • Đảm bảo sự thông suốt của quy trình vận chuyển: Quá trình với mục tiêu giảm thiểu sự gián đoạn và trì hoãn trong quá trình vận chuyển bằng cách đảm bảo tính sẵn sàng và chất lượng của phương tiện vận chuyển, quản lý thời gian xuất phát, thời gian giao hàng, đối ứng linh hoạt với các thay đổi và sự cố trong quá trình vận chuyển. Sự thông suốt trong quy trình vận chuyển giúp hàng hóa được vận chuyển đúng thời gian và đến đúng địa điểm, đồng thời giảm thiểu tình trạng thiếu hoặc thừa hàng hóa.

Thông tin

Thông tin đóng vai trò trung tâm để kết nối tất cả các hoạt động trong chuỗi cung ứng. Thông tin chính xác và được chia sẻ nhanh chóng là yếu tố đảm bảo sự kết nối, vận hành trơn tru giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng. Do đó, doanh nghiệp cần đảm bảo hệ thống thông tin của mình có thể:

  • Chia sẻ chính xác và nhanh chóng: Thông tin về chuỗi cung ứng như nguồn cung, tồn kho, vận chuyển và yêu cầu đặt hàng cần được chia sẻ chính xác và nhanh chóng giữa các bên liên quan. Việc chia sẻ thông tin kịp thời giúp doanh nghiệp đảm bảo tính linh hoạt và tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
  • Được quản lý và phân luồng tối ưu: Doanh nghiệp nên xem xét sử dụng các công cụ hỗ trợ quản lý thông tin theo chức năng như: Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM), hệ thống quản lý kênh phân phối (DMS), hệ thống quản lý kho (WMS) và phân tích dữ liệu (BI),… để kiểm soát thông tin hiệu quả, hỗ trợ tối ưu hóa yếu tố thông tin trong chuỗi cung ứng.

CRM và các phần mềm khác hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả

  • Cung cấp thông tin thời gian thực: Bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại như IoT (Internet of Things), hệ thống giám sát và theo dõi (cảm biến, camera thông minh); các thông tin theo thời gian thực về tình trạng hàng hóa, lịch trình vận chuyển, tồn kho và các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng có thể được theo dõi và báo cáo một cách liên tục, chính xác. Thông tin giúp các bên liên quan trong chuỗi cung ứng có thể bao quát tình trạng và hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng.
  • Tăng cường khả năng đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu: Các quyết định nên được đưa ra căn cứ trên dữ liệu thực tế thay vì dựa trên kinh nghiệm, quan điểm chủ quan của nhà quản lý. Điều này giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định về quản lý tồn kho, dự báo nhu cầu, tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển thông minh hơn, từ đó nâng cao hiệu suất toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đọc thêm: Big data là gì? Tại sao Big data được ví như “mỏ vàng” thông tin trong doanh nghiệp? 

Có thể thấy rằng, việc kiểm soát tốt hệ thống thông tin sẽ giúp doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng hiệu quả hơn. Walmart, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới là một ví dụ điển hình. Hãng này đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để cân bằng cung – cầu. Kết quả là Walmart có thể kỳ vọng gần như hoàn thành 100% đơn đặt hàng đối với hàng hóa trong khi chi phí sản xuất được giảm xuống.

Địa điểm

Vị trí của các thành phần trong chuỗi cung ứng có thể ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Các quyết định liên quan đến vị trí đều hướng tới mục tiêu đáp ứng tính nhanh chóng và đem lại hiệu quả kinh tế. Doanh nghiệp nên xem xét các quyết định về địa điểm sau:

  • Xác định vị trí chiến lược: Nhà quản lý nên cân nhắc đặt nhà máy sản xuất, kho hàng và điểm bán hàng tại các vị trí chiến lược để  đảm bảo các thành phần này được đặt tại các địa điểm gần nhất với nguồn cung, thị trường tiêu thụ và các tuyến đường vận chuyển quan trọng. Điều này giúp tối ưu hóa quy trình chuỗi cung ứng và nâng cao khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.
  • Quản lý tuyến đường vận chuyển: Bằng cách phân tích các tuyến đường khác nhau, doanh nghiệp có thể tìm ra tuyến đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để vận chuyển hàng hóa từ nguồn cung tới điểm tiêu dùng. Quản lý tuyến đường vận chuyển tốt giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển, đảm bảo sự thông suốt cũng như tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Đọc thêm: Phân biệt các loại kho trong logistics

5 yếu tố thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng đã nêu trên đều đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận hành của chuỗi cung ứng. Sự tối ưu hóa trong quá trình sản xuất, tồn kho, vận chuyển, thông tin và địa điểm có thể đem lại lợi ích lớn cho các tổ chức trong việc cải thiện năng suất, giảm thiểu lãng phí và đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách hiệu quả.

5/5 - (1 bình chọn)
Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng