AI sẽ thay thế “Ai” trong quy trình sản xuất?
Nội dung bài viết
Trong thời đại công nghiệp 4.0, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Có nhiều tranh cãi xoay quanh việc liệu AI có thay thế được con người trong quy trình sản xuất hay không. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ vấn đề trên.
AI đang ở đâu trong quy trình sản xuất?
AI trong sản xuất đang được ứng dụng càng phổ biến như một phương pháp để tối ưu hóa quy trình và cải thiện hiệu quả sản xuất. AI có thể tự động hóa các quy trình lặp lại, phát hiện lỗi và cảnh báo cho con người về các vấn đề có thể xảy ra. Các thuật toán AI đang được phát triển để tổng hợp và phân tích lượng dữ liệu có sẵn từ hạ tầng IoT giúp máy móc tự động đưa ra quyết định và điều chỉnh phù hợp. AI cũng được sử dụng trong phân tích hình ảnh sản phẩm thông qua các thiết bị camera để kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhận dạng sản phẩm và linh kiện lỗi,… Trong tương lai, các giải pháp thông minh trong quy trình sản xuất được hỗ trợ bởi AI thậm chí có thể tự động hóa toàn bộ nhà máy và kho hàng, tạo ra một thời đại của sản xuất tối ưu hiệu quả với độ chính xác tuyệt đối!
Vai trò của AI trong sản xuất
Điều chỉnh danh mục cấu trúc sản phẩm:
Dựa trên phân tích máy móc và thông số của sản phẩm cuối cùng, doanh nghiệp có thể dựa trên các dự đoán của AI để tính toán điều chỉnh BOM (danh mục cấu trúc sản phẩm) để đạt được các thông số được yêu cầu cho từng lô sản phẩm cụ thể.
Cải tiến quy trình:
Nâng cao năng suất xưởng sản xuất: Một bản sao số (digital twins) có thể theo dõi và phân tích quy trình sản xuất sẽ phát hiện ra những quy trình mà hiệu suất không đạt hiệu quả, từ đó đưa ra các đề xuất thay đổi quy trình sản xuất cần thiết.
Kiểm soát chất lượng:
AI kiểm soát chất lượng bằng cách kết hợp với các thiết bị đọc, camera giám sát để phân tích và nhận diện các sản phẩm lỗi khi so sánh với mẫu chuẩn, từ đó đưa ra cảnh báo cho nhân viên để kiểm tra và khắc phục kịp thời.
Dự báo giá nguyên liệu:
AI có thể dự báo giá nguyên liệu tốt hơn con người bằng cách sử dụng các thuật toán máy học để phân tích các dữ liệu liên quan đến thị trường nguyên liệu, bao gồm giá cả, nguồn cung và nhu cầu.
Giảm thiểu lỗi trong tương lai:
AI giúp nhà sản xuất dự đoán thời điểm thiết bị hỏng để kế hoạch bảo trì và sửa chữa trước khi sự cố xảy ra.
Lợi ích và giới hạn của AI trong sản xuất
Nhờ áp dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp sản xuất đã gia tăng đáng kể hiệu suất. Một số lợi ích có thể kể đến như:
- Phát hiện lỗi trong suốt quá trình sản xuất.
- Triển khai bảo trì dự đoán để giảm downtime.
- Đáp ứng những thay đổi theo thời gian thực về nhu cầu trên toàn chuỗi cung ứng.
- Xác thực chất lượng của các loại sản phẩm có mức độ cấu tạo phức tạp như vi mạch.
- Giảm chi phí sản xuất của hàng hóa theo lô hoặc hàng hóa đơn lẻ, cho phép đa dạng hóa hệ thống sản phẩm.
- Cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên bằng cách thay công việc chân tay truyền thống bằng vận hành hệ thống máy móc thông minh.
Tuy nhiên, AI trong sản xuất cũng còn tồn tại những hạn chế nhất định khiến nó chưa thể là một giải pháp thay thế toàn diện:
- AI vẫn còn quá đắt đỏ: Mặc dù sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phép bạn tiết kiệm chi phí lao động, nhưng việc triển khai ban đầu của trí tuệ nhân tạo có thể rất đắt đỏ, là khoản chi phí lớn đối với các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ. Một số chi phí khác liên quan cần phải lưu ý như chi phí bảo trì liên tục, chi phí để bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công mạng,…
- Cần những chuyên gia có năng lực để vận hành: Do AI không ngừng cải tiến và thay đổi chính nó, doanh nghiệp cần những chuyên gia lập trình và các kỹ năng liên quan để đảm bảo sự vận hành trơn tru. Hiện tại các chuyên gia về AI vẫn còn chưa nhiều và nhu cầu tuyển dụng cũng cao, dẫn đến chi phí tuyển dụng cho một vị trí thuê một chuyên gia về AI đắt hơn nhiều so với các vị trí nhân viên khác.
- Dễ bị tấn công bởi các lỗ hổng bảo mật và an ninh mạng: tin tặc, hacker và tội phạm mạng hiện nay ngày càng trở nên tinh vi hơn và liên tục tạo ra các phương thức tấn công mới nhằm vào AI. Một lỗ hổng bảo mật nhỏ cũng có thể đánh sập AI và làm gián đoạn cả một hệ thống sản xuất lớn trong doanh nghiệp.
Ảnh hưởng của AI đến các công việc trong sản xuất
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đáng kể đến các vị trí trong quá trình sản xuất. Với sự gia tăng của tự động hóa, nhiều quy trình sản xuất đã trở nên hiệu quả hơn và ít tốn sức lao động hơn. Trong khi doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, người lao động lại chịu nhiều rủi ro mất việc từ xu hướng này. Một số khảo sát ước tính rằng có đến 20 triệu việc làm trong quy trình sản xuất có thể bị thay thế trong những năm tới.
Tuy nhiên song song với đó, AI cũng tạo ra những cơ hội việc làm mới trong các lĩnh vực như tự động hóa, vận hành robot, phân tích dữ liệu hay học máy. Ngoài ra, sự phát triển của AI và tự động hóa cũng đã tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, dẫn đến sự phát triển của các ngành công nghiệp mới và các vị trí việc làm tương ứng.
Những công việc có thể bị thay thế bởi AI trong sản xuất
Trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng cách mạng hóa ngành sản xuất bằng cách thay thế nhiều công việc đang được thực hiện bởi con người. Một số vị trí mà AI có thể thay thế con người trong quá trình sản xuất bao gồm:
- Các công nhân trên dây chuyền sản xuất lắp ráp: Các robot được trang bị sức mạnh của AI có thể thực hiện công việc lặp đi lặp lại và đòi hỏi sức lao động của con người trên các dây chuyền lắp ráp, giúp gia tăng hiệu suất làm việc và giảm nguy cơ bị thương tích của con người.
- Các nhân viên kiểm soát chất lượng: AI có thể được sử dụng để kiểm soát chất lượng sản phẩm thông qua các cảm biến và camera, giúp giảm được lỗi sai sót do con người và đảm bảo được tính đồng bộ của sản phẩm.
- Kỹ thuật viên bảo trì: AI được phát triển với những thuật toán thông minh có thể giám sát và chẩn đoán các vấn đề về thiết bị theo thời gian thực, giảm thiểu
- Quản lý kho hàng: AI có thể được sử dụng để quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ đó giảm lãng phí và cải thiện hiệu quả.
Đọc thêm: Vai trò không thể thiếu của Barcode/QR code trong quản lý nhà máy
AI có tiềm năng thay thế nhiều vị trí trong quy trình sản xuất, nhưng cần lưu ý là AI không thể thay thế tất cả các vị trí. Yếu tố con người vẫn cần thiết ở các công đoạn như giám sát và quản lý sản xuất, các công việc đòi hỏi sự sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề hay các công việc có yêu cầu về cảm xúc.
Kết luận và gợi ý cho doanh nghiệp
Khi AI tiếp tục phát triển, các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý trong doanh nghiệp cần xem xét tác động của AI đến lực lượng lao động – một trong những nguồn lực chính của doanh nghiệp. Việc làm cần thiết bây giờ là lên kế hoạch đào tạo nhân sự dễ bị thay thế và tạo ra những cơ hội việc làm mới theo xu thế. Khi được tận dụng tối đa năng lực, AI có thể trở thành cánh tay phải đắc lực cho doanh nghiệp trong quy trình sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved