An ninh mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0: thách thức với doanh nghiệp sản xuất
Nội dung bài viết
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang đến một kỷ nguyên đầy tiềm năng đổi mới và tăng trưởng cho doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên những vấn đề về an ninh mạng trong thời đại 4.0 cũng đặt ra những thách thức lớn đối với ngành này. Các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển mình và “thích nghi” nhanh để đối phó với những rủi ro bất thường và không làm gián đoạn quá trình sản xuất kinh doanh.
Thực trạng an ninh mạng tại doanh nghiệp sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến an toàn thông tin và đặt ra nhiều thách thức mới cho các chuyên gia bảo mật thông tin. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of Things (IoT), blockchain và các nền tảng đám mây (cloud computing) đang tạo ra các mối đe dọa mới cho các hệ thống bảo mật có sẵn.
Theo nghiên cứu về Nhà máy thông minh của Deloitte và Liên minh các nhà sản xuất về Năng suất và Đổi mới (MAPI) năm 2019, có đến 48% số doanh nghiệp sản xuất được khảo sát đã xác định rủi ro về an ninh mạng là mối nguy hiểm lớn nhất đối với giải pháp nhà máy thông minh. Với sự kết nối thông tin xuyên suốt giữa các hệ thống và công nghệ trong nhà máy thông minh, các mối đe dọa về mạng buộc doanh nghiệp phải tích hợp các biện pháp kiểm soát an ninh mạng phù hợp trong hệ thống để đối phó kịp thời.
Trong 5 năm tới, ước tính khoảng 85% các công ty sẽ triển khai các giải pháp Công nghiệp 4.0 cho tất cả các bộ phận sản xuất quan trọng. Thị trường nhà máy thông minh toàn cầu sẽ đạt 340 tỷ USD vào năm 2028 (theo báo cáo của Emergen Research).
Tuy nhiên, sự kết nối của các thiết bị trong nhà máy thông minh có thể gây ra nhiều rủi ro bảo mật. Ví dụ, các lệnh điều khiển từ hệ thống vận hành sản xuất có thể bị can thiệp hoặc điều chỉnh dẫn đến thiệt hại tài chính, chất lượng sản phẩm hay thậm chí gây nguy hiểm cho an toàn của người lao động.
Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới an ninh mạng và an toàn thông tin
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều lợi ích về kinh tế và công nghệ, tuy nhiên nó cũng đặt ra rất nhiều thách thức cho an toàn thông tin. Dưới đây là một số tác động chính của cách mạng công nghiệp 4.0 tới an toàn thông tin và an ninh mạng:
- Số lượng thiết bị được kết nối ngày càng cao: Cách mạng công nghiệp 4.0 kết nối các thiết bị, hệ thống và quy trình với nhau, tạo ra một mạng lưới kết nối rộng lớn. Điều này tăng khả năng tấn công và gây mất an toàn thông tin.
Đọc thêm: Hyperconnectivity: Xu hướng mới trong sản xuất thông minh
- Lượng dữ liệu sản sinh lớn: lượng dữ liệu sản sinh ra từ các thiết bị và hệ thống vận hành rất lớn, từ đó đặt ra thách thức về quản lý và bảo mật dữ liệu.
- Sự gia tăng về các thiết bị kết nối Internet: Sự phát triển của Internet of Things (IoT) và các thiết bị kết nối internet khác tạo ra nhiều lỗ hổng cho tin tặc tấn công.
- Thay đổi về cách thức tấn công: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi cách tin tặc tiếp cận với các mục tiêu tấn công. Tin tặc có thể sử dụng các kỹ thuật mới để tấn công các hệ thống và dữ liệu.
- Thách thức về đào tạo nâng cao kiến thức an toàn thông tin: Sự phát triển công nghệ đòi hỏi các nhân viên phải có kiến thức về an toàn thông tin và kỹ năng để đối phó với các rủi ro mới.
Nguyên nhân gây mất an toàn thông tin trong nhà máy
Rủi ro tấn công từ bên ngoài: Công nghệ IoT cho phép hàng triệu thiết bị kết nối Internet, tạo ra nhiều lỗ hổng cho tin tặc xâm nhập. Nếu các thiết bị này không được bảo mật tốt, chúng có thể bị tấn công và sử dụng để tấn công các hệ thống khác hoặc lấy cắp thông tin cá nhân.
Rủi ro tấn công từ bên trong: Những nhân viên có quyền truy cập vào hệ thống cũng có thể là nguồn gốc của sự tấn công, đặc biệt là khi họ sử dụng các tài khoản truy cập không được bảo mật cẩn thận. Các kẻ tấn công có thể lợi dụng sự thiếu sót này để truy cập vào các hệ thống và lấy cắp thông tin quan trọng.
Rủi ro từ các ứng dụng và thiết bị phần mềm không được bảo mật tốt: Các ứng dụng và thiết bị phần mềm không có tính bảo mật cao có thể tạo ra các lỗ hổng bảo mật và trở thành mục tiêu cho các kẻ tấn công.
Rủi ro từ sự gia tăng về lượng dữ liệu: Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại một lượng lớn dữ liệu từ các thiết bị kết nối Internet, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất phải có khả năng quản lý và bảo mật dữ liệu một cách hiệu quả. Nếu dữ liệu trong nhà máy không được sắp xếp, quản lý một cách khoa học thì có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ thất thoát thông tin hoặc sử dụng sai mục đích.
Khuyến nghị và giải pháp
Khuyến nghị cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp nên xem xét 3 bước sau trước khi bắt đầu xây dựng một chương trình bảo mật an ninh mạng
- Thực hiện đánh giá tổng quan quy trình bảo mật an ninh mạng
- Thiết lập chương trình quản trị an ninh mạng chung cho hệ thống OT
- Đặt quyền ưu tiên cho các quy trình có đánh giá rủi ro
An ninh mạng không phải là một “lỗi” có thể giải quyết sau một vài bản “vá” lỗi. Nó liên tục thay đổi khi công nghệ phát triển, đòi hỏi doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực vào một quá trình đối phó lâu dài, liên tục đổi mới. Doanh nghiệp cũng cần lên kế hoạch phục hồi khi rủi ro xảy ra, các biện pháp đối phó phù hợp để thích nghi với môi trường mạng ngày càng phức tạp.
Xây dựng các giải pháp đối phó với an ninh mạng cũng đòi hỏi một phương pháp đảm bảo các tiêu chí:
- Tính an toàn: Doanh nghiệp cần xác định được tài sản trọng yếu để đảm bảo bảo mật tối đa cho chúng. Đối với doanh nghiệp sản xuất thì tài sản quan trọng nhất là chuỗi cung ứng và hệ thống kiểm soát vận hành, đảm bảo cho chúng được bảo vệ khỏi các mối đe dọa về tấn công mạng
- Tính cảnh giác: Doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ quản lý theo thời gian thực để phát hiện các mối đe dọa tức thời. Các công cụ này sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận biết hành vi độc hại và cách thức tấn công mới.
- Tính phục hồi: Đảm bảo khả năng phục hồi nhanh chóng sau một cuộc tấn công mạng. Các doanh nghiệp cũng nên thực hiện quy trình sao lưu dữ liệu định kỳ hàng tháng trên các kho dữ liệu được bảo mật để đảm bảo dữ liệu không bị mất trong trường hợp gặp sự cố.
Giải pháp đối phó vấn đề an ninh mạng
- Quản lý thiết bị chặt chẽ, giới hạn quyền truy cập của nhân viên và các thiết bị kết nối. Giám sát liên tục, kiểm tra định kỳ để cập nhật bản vá lỗi bảo mật thường xuyên.
- Tạo một môi trường an toàn cũng là một trong những yếu tố quan trọng để giảm thiểu vấn đề về an ninh mạng. Một số giải pháp như tường lửa, hệ thống phát hiện xâm nhập và hệ thống giám sát liên tục cũng được sử dụng để tăng cường bảo mật cho doanh nghiệp sản xuất và nhà máy thông minh.
- Đào tạo nhân sự hiểu biết về an ninh mạng, tuyển dụng chuyên gia an ninh mạng: đào tạo nhân viên cách nhận biết và xử lý đúng khi xảy ra sự cố, và lên kế hoạch tuyển dụng các chuyên gia an ninh mạng ngay từ bây giờ. Ngoài ra quản lý cấp cao cũng cần trực tiếp tham gia vào quá trình này thay vì chỉ tiếp nhận thông tin.
Kết luận
Ngành sản xuất đang đứng trước một tiềm năng phát triển đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, song cũng phải đối mặt với một thách thức không nhỏ trong vấn đề an ninh mạng và an toàn thông tin. Doanh nghiệp nên thiết lập một kế hoạch nhanh chóng và bền vững để ứng phó giải quyết các lỗ hổng an ninh hiện tại và đề phòng các rủi ro trong tương lai, để đảm bảo sự tin tưởng của người tiêu dùng và củng cố vị thế doanh nghiệp trên thị trường.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved