Ứng dụng IoT ở Việt Nam trong thời đại công nghệ 4.0

22/12/2018

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra xu thế tự động hóa trên mọi lĩnh vực. Sự ra đời của các thiết bị Internet of Things  (IoT) đang làm thay đổi cách con người giao tiếp, hoạt động, kinh doanh, làm việc, giải trí và kết nối. Năm 2018 được đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ IoT ở Việt Nam khi đã có rất nhiều công ty đang tập trung phát triển giải pháp và sản phẩm công nghệ thông minh dựa trên nền tảng IoT.

Cơ hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhờ ứng dụng IoT ở Việt Nam

Kỷ nguyên Vạn vật kết nối (Internet of Things- IoT) là một kịch bản của Thế giới khi mà mỗi thiết bị, vật dụng được gắn kết với phần mềm cảm biến, kết nối mạng,…và tất cả có thể thu thập, truyền tải và trao đổi thông tin, dữ liệu. IoT giúp cho các thiết bị vật dụng có thể được cảm nhận và điều khiển từ xa dựa trên nền tảng hạ tầng công nghệ không dây, công nghệ vi cơ điện tử và internet.

IoT và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 không còn xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nó đã trở thành tất yếu đối với nền kinh tế mỗi quốc gia, đặc biệt và các nước đang phát triển như Việt Nam. Theo như  IDC dự kiến vào năm 2019, toàn cầu sẽ chi 1.300 tỷ USD cho IoT. Tới năm 2020, dự đoán của Gartner thì giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 tỷ USD. Và theo McKinsey, tới năm 2025, IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000 tỷ USD. Tới năm 2021, dự kiến số thuê bao sẽ lên tới 9,1 tỷ IoT.

Trước làn sóng mạnh mẽ của công nghệ IoT trên toàn Thế giới, Việt Nam cũng đang dần chuyển mình trong  những bước tiến mạnh mẽ hòa cùng sự phát triển đó. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có những phát minh, cải tiến mạnh mẽ, đầu tư mạnh dạn vào IoT và những công nghệ mới tiên tiến nhất hiện nay.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế ấn tượng nhất Đông Nam Á với sự tăng trưởng vượt bậc trong ứng dụng công nghệ thông tin. Điều này là một trong những chìa khóa tạo nên sự chuyển mình của toàn kinh tế, đưa Việt Nam thành một trong những thị trường tiềm năng nhất trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Sự tăng trưởng vượt bậc trong ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam bắt nguồn và được củng cố bởi một thế hệ trẻ yêu thích và hiểu biết công nghệ. Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng rất chú trọng vào lĩnh vực này bằng những khoản đầu tư khổng lồ, nhiều điều kiện ưu đãi cho các nhà cung ứng công nghệ IoT hoặc các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này vào sản xuất nhằm mục tiêu đưa Việt Nam thành một nước công nghệ cao.

Thực trạng IoT ở Việt Nam

Tại Việt Nam, IoT đã được ứng dụng từ lâu dưới các hình thức tự động hóa hệ thống hóa như hệ thống điều khiển đèn giao thông, hệ thống tưới tiêu tự động,…Tuy nhiên, chỉ đến năm 2015 thì khái niệm IoT ở Việt Nam mới được nhắc đến nhiều thông qua các hội thảo, hội nghị về xu hướng công nghệ của Cisco, Inter, Hội tin học TP.HCM, và một số công ty trong nước như Mobiphone, DTT, Sao Bắc Đẩu,…

Tuy nhiên, hiện tại chưa có ứng dụng IoT thực sự nào ảnh hưởng tới đời sống xã hội trong nước. Với giao thông đô thị thông minh, trong thời gian tới một số ứng dụng như thu phí không dừng, phạt nguội bằng camera dự báo sẽ phổ biến tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội. Các lĩnh vực tiềm năng như y tế điện tử, nông nghiệp thông minh, bất động sản thông minh sẽ cần thêm thời gian để có những ứng dụng IoT phù hợp với Việt Nam.

Trong doanh nghiệp nội địa, sản phẩm IoT của doanh nghiệp trong nước hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay như: sản phẩm chip vi mạch của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, hệ thống cảm ứng độ ẩm, nhiệt độ trong nông nghiệp của công ty Mimosa tại hệ sinh thái khởi nghiệp Công nghệ- Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP HCM, chương trình TUHOC STEM và các dịch vụ trên nền OEP của công ty DTT (trụ sở chính tại Hà Nội).

Mặt khác, các hệ thống IoT ở Việt Nam hiện có đều là của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới tập trung vào các ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động, máy tính và còn chưa khai thác hết tính thông minh của hệ thống cảm biến hay khai thác dữ liệu Big Data. Đăc biệt, các thiết bị phần cứng thì hầu hết là nhập khẩu như camera, thiết bị RFID hay các cảm biến hóa học.

Sang năm tới được dự đoán sẽ tiếp tục là một năm phát triển mạnh mẽ của công nghệ IoT ở Việt Nam và các ứng dụng của nó. Tiềm năng và viễn cảnh thị trường khá lạc quan. Tuy nhiên, sản phẩm và giải pháp IoT phụ thuộc rất nhiều vào người dùng và công nghệ. Vì thế các nhà cung cấp hiện vẫn đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển để tạo nên những trải nghiệm tốt nhất. Và các doanh nghiệp trong nước sẽ còn một chặng đường khá dài để đi đến đích và đưa công nghệ này rộng rãi vào cuộc sống.

Tags: IoT
Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng