TQM là viết tắt của từ gì?
TQM là hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, dựa vào sự tham gia của tất cả thành viên của tổ chức, nhằm đạt tới sự thành công lâu dài nhờ thỏa mãn khách hàng. Vậy chính xác TQM là viết tắt của từ gì và chúng có ý nghĩa như thế nào?
TQM viết tắt của từ gì?
TQM là viết tắt của cụm từ gì? Đó chính là Total Quality Management, là hệ thống quản lý (management) – chất lượng (quality) – toàn diện (total), dựa vào sự tham gia của tất cả thành viên của tổ chức, nhằm đạt tới sự thành công lâu dài nhờ thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên đó và cho xã hội.
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) có xuất phát điểm từ hoạt động kiểm soát chất lượng tổng hợp – TQC (Total Quality Control) do chuyên gia về chất lượng – Armand V Feigenbaum xây dựng từ năm 1950 khi ông làm việc ở hãng General Electric với tư cách là một người chịu trách nhiệm về quản lý chất lượng và quản lý nghiệp vụ sản xuất. TQC được định nghĩa như “một hệ thống có hiệu quả để hợp nhất các nỗ lực về triển khai chất lượng, duy trì chất lượng và cải tiến chất lượng của các bộ phận khác nhau trong một tổ chức sao cho nó có thể sản xuất và thực hiện dịch vụ ở mức kinh tế nhất giúp thoả mãn được người tiêu dùng”.
Quá trình phát triển từ những hoạt động riêng biệt về kiểm soát chất lượng trong các công ty của Nhật Bản với những đúc kết trao đổi kinh nghiệm quản lý chất lượng hàng năm đã dẫn tới hình thành phương thức Quản lý chất lượng toàn diện Nhật Bản. TQM viết tắt của Total Quality Management là bước hoàn thiện của TQC – Total Quality Control với những ý tưởng cơ bản sau đây:
– Quản lý chất lượng là trách nhiệm của mỗi người, mỗi bộ phận trong công ty;
– Quản lý chất lượng toàn diện là một hoạt động tập thể đòi hỏi phải có những nỗ lực chung của mọi người;
– Quản lý chất lượng toàn diện sẽ đạt hiệu quả cao nếu mọi người trong công ty, từ chủ tịch công ty đến công nhân sản xuất, nhân viên cung tiêu cùng tham gia;
– Quản lý chất lượng tổng hợp đòi hỏi phải quản lý có hiệu quả mọi giai đoạn công việc trên cơ sở sử dụng vòng quản lý P-D-C-A (kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, hành động);
– Hoạt động của các nhóm chất lượng là một phần cấu thành của quản lý chất lượng tổng hợp.
Đọc thêm: Vai trò của quản trị chất lượng sản phẩm trong doanh nghiệp
Lợi ích của doanh nghiệp khi triển khai TQM
- Gia tăng sự hài lòng và tín nhiệm của khách hàng;
- Tiết kiệm chi phí;
- Tăng năng suất làm việc của nhân viên;
- Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp;
- Cải thiện các quy trình sẵn có trong doanh nghiệp;
- Thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên;
- Xây dựng môi trường làm việc tích cực.
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện (TQM) được triển khai tại doanh nghiệp như thế nào?
Để áp dụng có kết quả, khi lựa chọn các hệ thống chất lượng, các doanh nghiệp cần nắm vững những đặc điểm cơ bản của từng hệ thống, phải xác định rõ mục tiêu và yêu cầu chất lượng mà doanh nghiệp cần đạt được để lựa chọn mô hình quản lý chất lượng cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của mình. TQM bao gồm những hoạt động độc lập từ dưới lên dựa vào trách nhiệm, lòng tin cậy và được bảo đảm bằng một nhóm hoạt động kiểm soát chất lượng. Hệ thống này là sự kết hợp sức mạnh của mọi người, mọi đơn vị để tiến hành các hoạt động cải tiến, hoàn thiện liên tục, tích tiểu thành đại tạo nên sự chuyển biến.
Cụ thể, có 5 bước dưới đây doanh nghiệp cần thực hiện để triển khai hệ thống TQM một cách hiệu quả
- Kiểm tra sự quản lý
Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) là một hành trình dài đi từ việc xác định các quy trình quản lý nhỏ nhất trong doanh nghiệp đến giai đoạn các quy trình đó được thiết kế, triển khai và liên tục cải tiến. Do vậy, mục đầu tiên trong chương trình thực hiện TQM là kiểm soát các hoạt động quản lý để kiểm kê đầy đủ các quy trình đang tồn tại trong doanh nghiệp, từ đó có thể định hình được những kết quả kỳ vọng khi ứng dụng phương pháp này.
- Xác định các mục tiêu thành công tiên quyết
Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) tồn tại và phát triển trong văn hóa kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp, do đó, đôi khi các kết quả của triển khai TQM không được thể hiện một cách rõ ràng. Doanh nghiệp khó có thể nhận ra và đánh giá được mức độ thành công khi thực hiện dự án này. Đây là lý do tại sao việc định lượng các mục tiêu cuối cùng lại quan trọng khi doanh nghiệp muốn sử dụng hiệu quả TQM. Các yếu tố định lượng có thể phản ánh tác động của TQM có thể là các biện pháp tính toán dựa trên hiệu suất như các con số, biểu đồ và đồ thị.
- Điều chỉnh quy trình đáp ứng các yêu cầu kinh doanh
Xác định áp dụng TQM đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần phải xem lại các quy trình đang được sử dụng. Một doanh nghiệp có thể chọn việc xây dựng các quy trình bằng các phương thức khác nhau để tiếp nhận và phản hồi từ người, hoặc những người hiểu rằng mọi tương tác với thương hiệu là cơ hội để củng cố lòng trung thành của khách hàng. Sau khi nhận được phản hồi, chúng phải được xử lý và gửi trả kết quả đánh giá về cho khách hàng. Những phản hồi tích cực hay tiêu cực đều là nguồn tài nguyên đáng giá để doanh nghiệp xác định được những gì, tại sao, ai và làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
- Đánh giá chính xác vai trò của dữ liệu
Dữ liệu là thứ tốt nhất để phản ánh sự thật. Doanh nghiệp cần xác định đúng vai trò của dữ liệu trong doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình cải thiện chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Thông thường các phản hồi thu thập từ khách hàng và nhân viên sẽ có thể làm thay đổi các quy trình và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Thay đổi là điều không dễ dàng, nhưng để có thể có những thay đổi chính xác, doanh nghiệp cần thu thập và phân tích đúng và đủ các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để làm căn cứ đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu thực tế.
- Tạo được niềm tin từ nhân viên
Quản lý chất lượng toàn diện được thực hiện toàn diện và đồng bộ cho mọi nhân viên thuộc mọi cấp bậc và khu vực sản xuất khác nhau. Điều này giúp nhân viên vững tin hơn vào định hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trong chính xác sản phẩm mà họ đang sản xuất ra. Đây chính là động lực cho phương thức quản trị chất lượng cho doanh nghiệp phát triển toàn diện và lâu dài.
Đọc thêm: Làm thế nào để ứng dụng hiệu quả TQM trong doanh nghiệp?
Kết
Tất cả các loại hình doanh nghiệp đều có thể nhận được lợi ích từ phương thức Quản lý chất lượng toàn diện (TQM). Tuy nhiên doanh nghiệp cần có sự đầu tư và nghiên cứu cách thức ứng dụng TQM phù hợp với nhu cầu và loại hình doanh nghiệp của mình. Chỉ có như vậy, TQM mới có thể phát huy các lợi ích theo đúng mục đích của doanh nghiệp của bạn.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved