Automation và AI: Sự khác biệt trong cách thức hoạt động
Nội dung bài viết
Automation và AI từ lâu đã là song hành với nhau trong nhiều thuật ngữ công nghệ. Mặc dù có nhiều đặc điểm tương đồng, song đây vẫn là hai khái niệm riêng biệt và có cách thức hoạt động khác nhau. Cùng tìm hiểu thêm về hai công nghệ này và điều gì xảy ra khi kết hợp AI và Automation với nhau trong bài viết dưới đây.
Automation là gì và hoạt động như thế nào?
Automation (hay tự động hóa, điều khiển tự động) là việc sử dụng các công nghệ hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại theo một lập trình có sẵn nhằm giảm tải tác vụ thủ công của con người và hạn chế sai sót.
Khi con người phải thực hiện các công việc lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ nảy sinh tâm lý nhàm chán, mất tập trung, từ đó dẫn đến sai sót trong công việc. Trong khi đó, robot lại có thể thực hiện công việc một cách liên tục mà không cần nghỉ ngơi, không bị chi phối bởi cảm xúc hay tác động ngoại cảnh, đem lại hiệu suất làm việc liên tục với độ chính xác cao.
Vậy tự động hóa làm việc như thế nào trên thực tế? Để thiết lập hệ thống tự động hóa, người điều khiển phải “giao tiếp” với máy móc, robot thông qua các giao thức người – máy (HMI). HMI có thể là màn hình cảm ứng, bàn phím, chuột hoặc các thiết bị điều khiển khác. Khi tương tác với HMI, con người có thể thiết lập các thông số, lập trình nhiệm vụ và điều khiển hoạt động của hệ thống tự động. Lệnh và tín hiệu sẽ được truyền tới các thiết bị tự động như robot, cobot, máy móc,… để điều khiển các thiết bị này thực hiện tác vụ theo yêu cầu.
Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo sẽ biến đổi doanh nghiệp như thế nào?
AI là gì? Cách thức hoạt động của AI?
AI – Artificial Intelligence (hay trí tuệ nhân tạo, trí thông minh nhân tạo) là một nhánh nhỏ thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer Science), đề cập đến một công nghệ được con người lập trình để máy tính, robot có thể mô phỏng tự động các hành vi thông minh tương đương con người.
Trong một phép so sánh đơn giản, nếu nói tự động hóa là cánh tay của robot, thì AI chính là bộ não của robot. AI không được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ lặp đi lặp lại như tự động hóa mà thay vào đó, công nghệ này được thiết kế để mô phỏng trí tuệ của con người ở cấp độ cao. AI thực hiện các nhiệm vụ được giao bằng cách lấy thông tin được cung cấp liên tục từ môi trường (Realtime Data) hoặc dữ liệu được cung cấp sẵn (từ các mẫu, dữ liệu trong quá khứ) để liên tục học hỏi và đưa ra phản hồi một cách chính xác.
Đọc thêm: Trí tuệ nhân tạo là gì? AI thay đổi tương lai của loài người ra sao?
AI và Automation kết nối với nhau như thế nào?
Điểm chung giữa hai công nghệ này là chúng đều sử dụng nguồn dữ liệu lớn (Big Data). Các máy trong hệ thống tự động hóa thu thập và giao tiếp với nhau dựa trên dữ liệu, trong khi AI sẽ phân tích, diễn giải các dữ liệu đó để học và đưa ra các quyết định thông minh.
Tự động hóa có thể được sử dụng kết hợp với AI tạo nên một khái niệm mới – Tự động hóa thông minh (Intelligent Automation). Intelligent Automation thừa hưởng tất cả điểm mạnh của cả hai công nghệ cốt lõi: Tốc độ, hiệu quả, khả năng mở rộng quy mô của tự động hóa (Automation) và tính linh hoạt, sức mạnh xử lý dữ liệu, khả năng cải tiến của trí tuệ nhân tạo (AI).
Lợi ích khi kết hợp Automation và AI
Kết hợp tự động hóa và trí tuệ nhân tạo một cách thông minh sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng tính linh hoạt, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí và tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới.
Tăng tính linh hoạt cho doanh nghiệp
Tự động hóa thuần túy chỉ có thể thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại đã được lập trình sẵn mà không thể đưa ra quyết định một cách tự động. Tuy nhiên, khi kết hợp tự động hóa với trí tuệ nhân tạo thì máy móc có thể bắt chước các kỹ năng phỏng đoán, nhận thức như con người nhờ vào khả năng phân tích dữ liệu và mô hình hóa. Hơn nữa, AI còn có thể điều chỉnh thông số của hệ thống máy móc tự động hóa theo điều kiện sản xuất và nhu cầu thực tế của xưởng sản xuất. Điều này cho phép máy móc đưa ra các quyết định độc lập, chính xác và phản ứng linh hoạt hơn trước các thay đổi đột ngột hoặc sự cố ngoài ý muốn.
Tối ưu quy trình sản xuất/kinh doanh
Nhờ quá trình học hỏi và cải tiến liên tục, AI cải tiến và tối ưu các quy trình tự động hóa trong doanh nghiệp khiến chúng hoạt động chính xác và hiệu quả hơn:
Kết hợp với tự động hóa quy trình kinh doanh (BPM – Business Process Automation): AI có khả năng phân tích và học hỏi liên tục từ các dữ liệu được cung cấp, từ đó cải thiện đáng kể hiệu suất của quy trình BPM theo thời gian. Bằng cách sử dụng thuật toán học máy, AI có thể phát hiện ra mô hình, xu hướng và mối liên kết của dữ liệu với nhau, từ đó tối ưu hóa quy trình BPM. Điều này giúp quy trình trở nên linh hoạt hơn, thích ứng với thay đổi trong dữ liệu và yêu cầu kinh doanh.
Kết hợp với tự động hóa quy trình bằng robot (RPA – Robotic Process Automation): Trí tuệ nhân tạo giám sát hệ thống RPA đảm bảo tính chính xác. Mặt khác, AI cung cấp khả năng giao tiếp người – máy thông minh hơn cho RPA bằng các công nghệ ra lệnh bằng giọng nói hoặc văn bản tự động,…
Đọc thêm: RPA là gì? Những ngành nào có thể hưởng lợi từ RPA
Tạo ra công nghệ mới
Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa cũng có những tác động đáng kể đến việc tạo ra các công nghệ mới. Điển hình như công nghệ ô tô tự lái và hệ thống bảo trì tiên đoán là những ví dụ điển hình cho việc tạo ra công nghệ mới từ sự kết hợp giữa AI và Automation. Những công nghệ mới được sinh ra từ việc kết hợp AI và Automation được dự đoán sẽ tiếp tục tác động đến các ngành trong tương lai.
An toàn hơn
AI cung cấp cảnh báo sớm và dự báo sự cố trong quy trình tự động hóa, giúp giảm thiểu nguy cơ lỗi hỏng và tình huống bất ngờ không thể lường trước. Ngoài ra, AI cũng tăng cường tính an toàn cho các máy móc, dây chuyền tự động hóa bằng cách phân tích dữ liệu, đề xuất cải tiến, đồng thời đánh giá rủi ro và đưa ra các đề xuất giảm thiểu rủi ro. Có thể thấy rằng, sự kết hợp giữa AI và Automation mang đến sự an toàn trong quy trình sản xuất, giảm thiểu các sự cố không mong muốn và bảo vệ doanh nghiệp khỏi tổn thất, hậu quả không mong muốn.
Với những lợi ích rõ ràng, sự kết hợp giữa Automation và AI đã tạo ra một tiềm năng đáng kể, mở ra cơ hội cho sự phát triển trong tương lai khi máy móc có khả năng tự hành động và suy nghĩ như con người. Doanh nghiệp nên nhìn nhận nghiêm túc về tiềm năng của hai công nghệ này, từ đó tìm hiểu sâu thêm và ứng dụng phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved