Hành trình phát triển mạng 5G tại Việt Nam
Viettel và Mobiphone là hai nhà mạng đầu tiên được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng 5G thương mại. Nhân sự kiện mang tính chất đột phá này, chúng ta hãy cùng điểm lại những chặng đường phát triển hệ thống mạng 5G đã qua và nhìn nhận những tiềm năng trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Vì sao cần mạng 5G?
5G là viết tắt của 5th Generation, hay được gọi là thế hệ thứ 5 của mạng di động. Nó sẽ hoạt động trong băng tần bước sóng milimet – ở giữa 30 GHz và 300 GHz. Mạng 5G được truyền đi với tần số từ 3,5GHz đến 6GHz. Đây là lý do tại sao 5G có thể cung cấp cho người dùng tốc độ download lên tới 10Gb/s, gấp 10 lần những gì 4G có thể đạt được. Tất nhiên, những yếu tố quyết định tới Internet di động tốc độ cao không chỉ có tốc độ download, mà còn có cả độ trễ. Trong khi 4G có độ trễ tối đa là 50 miligiây thì 5G đã giảm nó xuống còn 4 miligiây, mang đến cho bạn kết nối gần như tức thời trong mọi lúc. Trong vài năm tới, 5G có thể còn nhanh hơn nữa, khi các nhà cung cấp internet có kế hoạch khai thác các tần số vượt quá 6GHz.
Không chỉ có tốc độ mạng kết nối nhanh hơn, độ phủ sóng lớn và độ trễ nhỏ hơn, mạng 5G còn hỗ trợ số lượng thiết bị kết nối lớn hơn. Nếu 4G có thể kết nối 100.000 thiết bị trong phạm vi 1km vuông thì thế hệ mạng 5G có khả năng xử lý được 1 triệu thiết bị kết nối trong 1km vuông.
Công nghệ kết nối 5G sẽ là bàn đạp cho những bước tiến nhảy vọt cho các sản phẩm, doanh nghiệp và ngay cả các ngành công nghiệp, từ ô tô tự lái đến trí tuệ nhân tạo…. Các chuyên gia cho rằng 5G có thể thúc đẩy thêm 12 nghìn tỷ USD doanh thu của ngành công nghiệp viễn thông hằng năm vào năm 2035. Và đây chính là lý do vì sao mạng 5G đang là mảnh đất hứa hẹn, thu hút sự chú ý không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn là mối quan tâm của chính quyền các quốc gia trên thế giới.
Đọc thêm: 3 xu hướng công nghệ kết nối nổi bật tại ASEAN năm 2020
Gian nan trong quá trình phổ cập mạng 5G tại Việt Nam
Đầu năm 2020, cả 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, Mobifone và Vinaphone đều được cấp giấy phép sử dụng và công bố đã thử nghiệm thành công 5G. Và mới đây, hai nhà mạng hàng đầu là Viettel và Mobiphone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ viễn thông 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, viễn cảnh mạng 5G phủ sóng khắp nơi đang trở nên rất gần với chúng ta.
Tuy nhiên, quá trình phát triển hơn nữa mạng 5G cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều những thử thách xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.
Đầu tiên, cần phải nói đến việc triển khai rộng rãi các trạm thu phát. Tuy Viettel đã chia sẻ rằng hãng đã mở rộng mạng lưới trạm phát 5G trên phạm vi toàn quốc, nhưng điều này vẫn sẽ tốn kha khá thời gian vì cơ sở hạ tầng viễn thông ở nước ta không đồng đều giữa các khu vực địa lý.
Tiếp theo đó chính là việc chi phí triển khai và vận hành hệ thống hạ tầng mạng mới này, nhất là khi nó còn quá mới mẻ, không chỉ với nước ta mà còn với thế giới. Nhà mạng AIS của Thailand, quốc gia Đông Nam Á đầu tiên triển khai 5G rộng rãi, đã tiêu đến 1,2 tỷ USD với mục đích mở rộng và đưa 5G tiếp cận đến chỉ 13% dân số.
Bên cạnh đó, phải nói rằng, mạng 4G hiện vẫn đang đáp ứng rất tốt hầu hết nhu cầu mạng internet của người dùng. Vì thế, câu hỏi đặt ra là liệu sẽ có bao nhiêu phần trăm người dùng đồng ý bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư cho các thiết bị 5G vốn đắt hơn và mức chi trả cho phí data thế hệ mới cũng có thể sẽ đắt hơn nhiều chuẩn 4G. Có thể thấy, các nhà mạng cần nhiều thời gian để thuyết phục người dùng chuyển qua mạng 5G với những ưu việt rõ rệt.
Vẫn còn có rất nhiều thuận lợi
Thử thách và các rủi ro tiềm ần là điều không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện ước mơ đưa 5G trải rộng khắp đất nước ta. Tuy nhiên thay vì nhìn vào các thách thức, chúng ta nên nhìn nhận những thuận lợi của phát triển mạng 5G hiện nay.
Trước tiên về thuận lơi, Việt Nam là một trong số ít các nước đã sẵn sàng tạo ra một khung hành lang pháp lý thuận lợi chưa từng có để nhanh chóng xây dựng quy hoạch, cấp phép và thử nghiệm mạng 5G tại Việt Nam.
Theo dõi hình ảnh minh họa bên dưới, chúng ta sẽ thấy chưa cần đến 2 năm kể từ ngày nhà mạng đầu tiên là Viettel được Bộ thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm, mạng 5G giờ đây đã chuẩn bị bước vào giai đoạn thử nghiệm thương mại.
Không những nhờ có sự ủng hộ của Chính phủ, sự quyết tâm của chính các nhà mạng hay những doanh nghiệp Việt cũng trở thành bàn đạp thuận lợi cho ước mơ 5G. Việc sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G đã đưa tên của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel vào top 6 công ty viễn thông đầu tiên trên thế giới có năng lực cung cấp được thiết bị 5G trên thế giới bên cạnh Ericsson, Samsung,… Đặc biệt hơn, Viettel là nhà mạng viễn thông duy nhất trong 6 công ty trên.
Mới đây cùng với Vinsmart, Viettel đã cho chạy thử thế hệ thứ 5 của mạng di động trên chiếc Vsmart Aris 5G. Tuy tốc độ download của Vsmart Aris 5G chỉ tới 568 Mbps và upload đạt 46.2 Mbps chưa thể so với tốc độ lý thuyết mà 5G có thể đạt được, nhưng đây vẫn là tín hiệu đáng mừng. Việc Việt Nam thử nghiệm thành công mạng 5G trên chiếc điện thoại 5G thuần Việt đã khiến công đồng thế giới xôn xao về năng lực và tiềm lực công nghệ của nước ta.
Nhờ những dấu ấn này, Nikkei Asian Review đã nhận định Việt Nam sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á có thể sẽ thương mại thành công 5G trong năm nay bên cạnh Thailand và Singapore.
Bên cạnh đó, dân số đông với số lượng người trẻ trong độ tuổi lao động cũng như nền kinh tế năng động tạo nên một thị trường viễn thông có tiềm năng vô cùng lớn. Với những lộ trình phát triển cụ thể trong từng giai đoạn, chúng ta tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ sớm hiện thực hóa được kỳ vọng mang mạng 5G tốc độ cao phủ sóng trên toàn quốc.
Đọc thêm: Xu hướng ứng dụng phần mềm erp trên thiết bị di động
Copyright © 2021 ifactory.com.vn All right reserved