Định hướng nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

14/03/2021

Đảm bảo nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thời điểm hiện tại luôn là thách thức đối với mọi nền kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Vậy chúng ta đang có định hướng về nguồn nhân sự như thế nào để đáp ứng dòng chảy phát triển này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là gì?

Năm 2013, một từ khóa mới là “Công nghiệp 4.0” (Industry 4.0) bắt đầu nổi lên xuất phát từ một báo cáo của chính phủ Đức đề cập đến cụm từ này nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục nhắc tới Industrie 4.0 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos tháng 1/2015. Hiện nay, Công nghiệp 4.0 đã vượt ra khỏi khuôn khổ dự án của Đức với sự tham gia của nhiều nước và trở thành một phần quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. 

cach mang cong nghiep thu 4

Thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 về nguồn nhân lực tại Việt Nam

Trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư (CMCN 4.0), những yếu tố mà các nước như Việt Nam đã và đang tự coi là có ưu thế như lực lượng lao động thủ công trẻ, dồi dào sẽ không còn là thế mạnh nữa, thậm chí bị đe dọa nghiêm trọng. Cụ thể cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra những thách thức về nguồn lực tại Việt Nam như sau:

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện mô hình tăng trưởng từ chiều rộng (chủ yếu dựa vào việc gia tăng đầu tư, khai thác lợi thế về tài nguyên, nhân công giá rẻ) sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu với động lực chính là việc tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, tính cạnh tranh của các ngành kinh tế.

Đặc biệt là nhu cầu về lao động có trình độ và kỹ năng cao là một yêu cầu tất yếu để đáp ứng những điều chỉnh có tính chiến lược của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đây là thách thức lớn, Việt Nam khó đáp ứng đủ và kịp thời…

Đọc thêm: Vai trò của người quản trị nguồn nhân lực trong doanh nghiệp

Thứ hai, sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng của các công nghệ hiện đại từ cuộc CMCN 4.0. Tâm điểm của cuộc Cách mạng này chính là việc hình thành các nhà máy thông minh, nhà máy số – nơi mà các máy móc, thiết bị sẽ được kết nối, tự động ra quyết định toàn bộ hoạt động của nhà máy từ khâu thu thập, phân tích yêu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất.

Đặc biệt, thách thức lớn nhất của vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ này đó là tác động từ việc Việt Nam đã và đang ký kết, gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, đòi hỏi nền kinh tế phải hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nếu không sẽ bị “thua ngay trên sân nhà”.

Thứ ba, quá trình hội nhập cũng sẽ hình thành và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ những thị trường lao động có tính chất khu vực và toàn cầu. Nhân lực chất lượng cao sẽ không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà sẽ cần phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài.

Mục tiêu trở thành nhà cung cấp nguồn lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế là vấn đề chúng ta cần đặt ra và cần có những hành động, giải pháp cụ thể ngay tại thời điểm này.

Thứ tư, nhận thức về CMCN 4.0 trong cán bộ, các nhà hoạch định chính sách… còn hạn chế. Ngoài ra, chưa có những nghiên cứu sâu và hệ thống về bản chất, tác động cũng như thời cơ, thách thức của cuộc CMCN 4.0 đối với nước ta ra sao. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, hiện Việt Nam ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 3.0, bởi vậy, cần đi tắt, đón đầu, phát triển, ứng dụng nhanh mới không bị bỏ lại trong cuộc thay đổi lớn lần này.

cach mang cong nghiep thu 4

Định hướng phát triển về nguồn nhân lực của Việt Nam

Việt Nam xác định mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển vào năm 2045. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ then chốt là “xây dựng và phát huy nguồn lực con người”. Gần đây, trong các văn bản quy phạm của Đảng, Nhà nước cũng như các bộ, ban, ngành,… chủ trương về nguồn nhân lực đã được cụ thể hóa. Tuy nhiên, cuộc CMCN 4.0 đặt ra cho chúng ta yêu cầu sớm hoàn thiện chiến lược tổng thể, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để có thể xây dựng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho cuộc CMCN 4.0, việc đầu tiên quan trọng nhất đó chính là Việt Nam cần phải đầu tư vào chất lượng giáo dục. Các cơ sở giáo dục và đào tạo phải tập trung nâng cao chất lượng chương trình giảng dạy, đổi mới phương thức giảng dạy theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, xây dựng mô hình giáo dục 4.0 theo kịp xu hướng công nghệ hiện đại trong nền kinh tế 4.0, liên kết đào tạo những lĩnh vực mà xã hội, doanh nghiệp cần, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi.
Bên cạnh đó, ngay chính tại các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, tự mỗi doanh nghiệp cần phải nhận thức được nhu cầu của việc đào tạo chuyên môn, nâng cao tay nghề, làm chủ công nghệ cho các công nhiên của mình. Bởi nếu không khi làn sóng nhân công chất lượng từ nước ngoài tràn vào do nền kinh tế mở cửa, chính các nhân viên đó cũng không thể cạnh tranh với nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ nước ngoài. 

Đọc thêm: Chuẩn bị nhân lực đón đầu công nghệ IIoT

Kết

Rõ ràng, cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang mang đến rất nhiều thách thức và cơ hội về phát triển con người ở Việt Nam. Dù cuộc cách mạng này đã diễn ra được một thời gian dài, nhưng không có nghĩa việc định hướng và đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng này tại thời điểm này là muộn. Hi vọng rằng một ngày không xa, nguồn nhân lực Việt Nam sẽ được biết đến với kỹ năng chuyên môn cao, khả năng làm chủ công nghệ tân tiến nhiều hơn là nguồn nhân lực phổ thông giá rẻ.

Bạn muốn chuyên gia tư vấn nhanh?
Bạn đang tìm hiểu về các giải pháp chuyển đổi số và muốn chuyên gia tư vấn trực tiếp tức thì? Đừng ngại ngần kết nối với chúng tôi để được hỗ trợ giải pháp nhanh chóng